Thú chơi câu đối tết

Tết đến xuân về, nhà cửa thường được trang trí tranh ảnh, cây cảnh, câu đối tết. Thú chơi câu đối ngày tết có từ xa xưa ở chốn cung đình hay chùa chiền, trong những gia đình giàu sang. Ngày nay thú chơi này đang được khơi gợi lại, với những câu đối không chỉ treo trong nhà mà còn được treo cả ngoài trời tại các đô thị.

Câu đối đỏ thể hiện những mong muốn tốt đẹp trong dịp đầu năm mới. Ảnh: Internet

Người xưa thường quan niệm, câu đối làm cho nhà ở sang trọng và vui hẳn lên trong những ngày tết. Câu đối cũng như lời giới thiệu về tâm tích, lối ứng xử và thị hiếu thẩm mỹ của gia chủ. Mỗi độ xuân về, khi được nghe các cụ bình câu đối tết, nhất là ở chốn đô thành thì khó mà dứt ra được. Từ đây có thể ngộ ra rằng truyền thống hiếu học, ham chuộng chữ nghĩa của người Việt có từ xa xưa.

Thú chơi tao nhã

Có ba cách thức tìm đến câu đối. Một là trích dẫn những đoạn văn có ý luận - kết, đề - thực trong các cương lĩnh, thiết chế về văn hóa, đạo đức, tôn giáo, luân lý… sắp xếp lại cho câu chữ đối ý, đối vần theo nhịp điệu và hoàn chỉnh thành hai vế. Hai là dùng lại câu đối truyền thống nếu thấy phù hợp. Ba là nhờ người sáng tác câu đối mới, trường hợp này người sáng tác phải là người hay chữ. Mỗi vế của câu đối có tổng các chữ là số lẻ như 5 chữ, 7 chữ, 9 chữ…

Nội dung câu đối thường dùng trong gia đình là chuyện làm ăn, sinh sống, chí hướng trong năm mới…, được thể hiện theo lối thư pháp trên giấy hoa long. Người ta có thể đắp nổi câu đối trên trụ cổng, bên tường lối vào nhà, hoặc chạm khắc, tô vẽ lên ván gỗ, sơn son thiếp vàng, khảm trai trên nền sơn mài treo trên cột, tường vách nhà hay phòng thờ, dùng lâu dài như đồ gia bảo của gia đình, dòng tộc.

Thời xưa, ngày tết các cụ đã có thú chơi tao nhã với câu đối tết. Sử kể rằng, năm ấy đã 30 tết, vua Thánh Tông Hoàng Đế nhà Lê (1442-1497) tới phố Thợ Nhuộm, thấy chủ nhà vẫn đang trả hàng tết cho khách, vua tạt vào hỏi chuyện, vua hỏi nhà có câu đối chưa? Ông chủ tá hỏa, mải lo công chuyện nên quên sắm sang câu đối, giờ thì biết lấy đâu ra, không có thì ăn tết mất ngon.

Vua bèn nói: Tôi là học trò đi chơi phố, sẵn giấy mực đây viết đôi câu, xem dùng được thì dùng. “Thiên hạ thanh hoàng giai nhã thủ/ Triều đình chư tử thị ngô gia” (dịch là: Muôn hồng nghìn tía đẹp đẽ trong thiên hạ một tay này mà ra/ Phẩm phục bá quan văn võ triều đình cũng bởi nhà ta mà nhuận sắc). Đôi câu đối hay quá, ông thợ nhuộm mừng rỡ, cảm tạ người học trò.

Trên đường hồi cung, vua Lê Thánh Tông tạt qua phố Cửa Đông, vào một ngõ cụt, thấy nhà nào cũng tíu tít lo tết; riêng nhà trong cùng im ắng, bèn vào tận nơi hỏi chuyện, thì ra nhà này làm nghề hốt phân, tết chỉ mua được một cặp bánh chưng.

Vua ướm hỏi và tặng cho câu đối “Thân ỷ nhất nhung y, năng dởm thế gian nan sự/ Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm” (dịch là: Thân này quanh năm đóng nhất bộ, nhưng lo liệu chu toàn nỗi gian nan của thiên hạ/ Trong tay độc ba tấc kiếm, mà thu phục lòng dạ muôn người).

Qua ba ngày tết, hai nhà nọ nhờ người hay chữ viết lại câu đối trên giấy hoa long để treo trong nhà và họ mới biết là tối 30 tết được Hoàng đế vỗ về, chúc tết gia đình mình.

Khôi phc tc chơi câu đi tết

Ngày nay, tục chơi câu đối tết đang được các địa phương khôi phục. Xuân Giáp Thìn 2024, Trung tâm VH-TT&TT TP Tuy Hòa tổ chức thi sáng tác câu đối tết nhằm góp phần gìn giữ, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống; khuyến khích trào lưu sáng tác thơ, câu đối, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp tết cổ truyền dân tộc.

Những câu đối được tuyển chọn, viết theo lối thư pháp và treo ngoài trời, cùng với cờ hoa, góp phần làm cho đô thị rực rỡ hơn, sống động hơn và có ý nghĩa hơn trong những ngày xuân.

Câu đối được treo trên đường phố trong những ngày lễ tết chỉ dùng chữ quốc ngữ để mọi người dễ đọc, dễ hiểu; có nội dung với chủ đề ca ngợi thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quê hương; nét đẹp của đất và người Tuy Hòa; ca ngợi Đảng, Bác Hồ và mừng xuân mới.

Ví như câu đối “Tết đến Nghinh Phong rộn ràng vang tiếng sóng/ Xuân về Tháp Nhạn nao nức vọng lời thơ”, “Mênh mông biển bạc, thuyền về cá nặng chờ tết đến/ Bát ngát đồng quê, lúa trĩu bông vàng đợi xuân sang”.

Cùng với cờ hoa, câu đối tết góp phần làm cho đô thị rực rỡ hơn, sống động hơn và có ý nghĩa hơn trong những ngày xuân.

HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/311986/thu-choi-cau-doi-tet.html