Thông tin mới vụ tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ mất tích

Sau khi phi công nhảy dù xuống nơi an toàn, tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II vẫn tiếp tục bay trong 'trạng thái zombie'.

Một tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Không quân Mỹ. Ảnh: AP

Al Jazeera ngày 19/9 đưa tin, quân đội Mỹ cho biết đã tìm thấy mảnh vỡ của tiêm kích F-35B Lightning II, một ngày sau khi đề nghị dân chúng giúp xác định vị trí của chiếc tiêm kích hiện đại.

Theo căn cứ Liên hợp Charleston, mảnh vỡ của chiếc F-35B Lightning II được phát hiện hôm 19/9 tại khu vực nông thôn thuộc quận Williamsburg, bang South Carolina, Mỹ.

"Nhân viên từ căn cứ Liên hợp Charleston đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và xác định được vị trí của một mảnh vỡ ở quận Williamsburg. Mảnh vỡ được phát hiện cách căn cứ Liên hợp Charleston 2 giờ lái xe về phía đông bắc", căn cứ Liên hợp Charleston cho biết trên mạng xã hội, đồng thời cảm ơn các quan chức địa phương đã giúp tìm kiếm tiêm kích tàng hình mất tích.

Người dân địa phương gần nơi có mảnh vỡ được yêu cầu tránh xa hiện trường.

"Người dân nên tránh xa khu vực này trong khi đội thu hồi bảo vệ hiện trường. Chúng tôi sẽ chuyển quyền chỉ huy sự cố cho lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ vào tối nay, khi họ bắt đầu quá trình thu hồi", căn cứ Liên hợp Charleston tuyên bố.

Giới chức Mỹ đã tìm kiếm chiếc F-35B Lightning II kể từ khi phi công điều khiển nó buộc phải nhảy dù xuống nơi an toàn ở một khu phố trong thành phố North Charleston, bang South Carolina, vào khoảng 14h ngày 17/9. Chiếc F-35B Lightning II tiếp tục bay trong "trạng thái zombie" - máy bay tiếp tục bay dù không còn phi công. Theo The Sun, trong trạng thái này, các tiêm kích F-35 có thể bay trong thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào tình trạng nhiên liệu.

Trong quá khứ, có 2 lần máy bay bay trong "trạng thái zombie". Một xảy ra ở Mỹ năm 1970 và trường hợp còn lại xảy ra ở Bỉ năm 1989. Cả 2 máy bay đều gặp trục trặc, buộc phi công phải nhảy dù, nhưng điều kỳ lạ là 2 máy bay sau đó đều lấy lại được độ cao và bay hàng km mà không cần người lái.

Trong vụ việc ở Mỹ năm 1970, một máy bay F-106 sau khi bổ nhào và xoay tròn mất kiểm soát đã tự cân bằng khó tin và hạ cánh an toàn với rất ít thiệt hại. Trường hợp ở Bỉ, một tiêm kích MiG-23 của Liên Xô gây ra hỗn loạn khi bay không cần người lái hơn 960 km trước khi rơi xuống đất.

Nguyễn Thái - Al Jazeera

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thong-tin-moi-vu-tiem-kich-tang-hinh-f-35-cua-my-mat-tich-a627175.html