Thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi dê ở Vĩnh Long

Những năm gần đây, mô hình nuôi dê ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) ngày càng phát triển, phù hợp điều kiện ở địa phương và chăn nuôi hộ gia đình.

Thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi dê.

Tại huyện Long Hồ, hơn 10 năm nay, con dê đã giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo, thậm chí có nhiều hộ giàu lên từ vật nuôi này.

Huyện Long Hồ xác định đây cũng là vật nuôi chủ lực của huyện trong thời gian tới.

Chậm mà chắc

Khởi nghiệp nuôi dê cách đây 12 năm, ông Phan Thanh Trung, ngụ tại ấp Thanh Hưng, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, xây chuồng nuôi 3 con, với phương châm "chậm mà chắc". Nhờ chí thú làm ăn, siêng năng học hỏi kinh nghiệm, với phương châm “vừa nuôi vừa đúc kết kinh nghiệm”, ông Trung đã thành công với vật nuôi này.

Vừa nuôi vừa mở rộng diện tích chuồng trại, qui mô đàn, nên đàn dê của gia đình ông Trung giờ khá nổi tiếng cả trong và ngoài huyện.

Nhờ hiệu quả kinh tế từ con dê, gia đình ông đã dần mở rộng qui mô nuôi, hiện gia đình đã có trang trại nuôi hơn 100 con dê, mỗi năm cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Ông Phan Thanh Trung thành công với mô hình nuôi dê.

Ông Lê Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, cho biết, mô hình nuôi dê của hộ gia đình ông Trung đem lại kinh tế khá cao.

Từ hiệu quả kinh tế của gia đình ông Trung, mà trong xã đã có nhiều hộ dân chọn loại vật nuôi này.

Ngoài thành công với mô hình nuôi dê, ông Trung còn giúp một số hộ dân khác trong xã về con giống, kỹ thuật nuôi, nên từ đó mô hình nuôi được nhân rộng ra.

"Xã chúng tôi cũng đã thành lập được hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là con dê.

Chính mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới của địa phương”, ông Luân cho hay.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương thuộc hộ nghèo năm 2020 cũng chọn nuôi dê để cải thiện cuộc sống.

Được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê bố mẹ, sau gần 3 năm gia đình chị đã mở rộng đàn dê lên 16 con.

Chị Phương cho biết, trong thời gian qua, ngoài tăng số lượng đàn dê, chị cũng đã bán dê thịt được số tiền lãi hơn 30 triệu đồng. Hiện cuộc sống gia đình chị đã dần ổn định, thoát được hộ nghèo.

Vật nuôi chủ lực

Hiện nay, đầu ra mô hình nuôi dê khá ổn định do nhu cầu của thị trường khá nhiều, nhờ vậy thu nhập của nhiều hộ nông dân được nâng cao hơn.

Để có được những thành công này, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, còn có sự hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật của các ngành, các cấp, nhiều hộ nuôi đã tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng và quỹ tín dụng.

Từ đó, tạo điều kiện để nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định hơn.

Đến hết tháng 6, huyện Long hồ có 169 hộ nuôi dê với qui mô tổng đàn 3.652 con. Số lượng dê được nuôi nhiều, tập trung tại các xã Đồng Phú, Bình Hòa Phước và Thanh Đức.

Trong gần 5 tháng đầu tiên của năm 2023, giá dê hơi luôn ở mức thấp chỉ từ 50 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng/kg tùy loại.

Bước qua giữa tháng 5, giá dê hơi tăng dần. Đến nay, giá dê thịt loại 1 ngay thời điểm này từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 đồng/kg; dê cái thịt giá từ 85.000 - 100.000 đồng/kg, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, so với thời điểm đầu năm 2023.

Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê.

Mặc dù giá dê hơi vào thời điểm này chưa đạt mốc cao đỉnh điểm như những năm trước, nhưng người nuôi vẫn mừng vì đã bắt đầu thu lãi trở lại.

Bởi, theo người chăn nuôi, nuôi dê tốn nhiều công nhưng chi phí đầu tư không cao, do thức ăn của dê chủ yếu là các loại lá cây.

Dê con từ khi tách mẹ để nuôi khoảng 6 tháng là có thể xuất bán.

Nếu nuôi tốt, mỗi con dê lúc này có thể cho trọng lượng khoảng từ 30 - 40 kg.

Như vậy, với giá bán như hiện nay, trung bình mỗi con dê người nuôi thu lãi từ 1,4 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng.

Ông Hồ Thế Nhu, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Long Hồ cho biết: “Những năm gần đây phong trào nuôi dê trên địa bàn huyện Long Hồ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ theo các dự án, người dân cũng chọn loại vật nuôi này để phát triển kinh tế gia đình.

Chúng tôi cũng thường xuyên kết hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để các hộ dân có thêm kinh nghiệm chăm sóc, vỗ béo đàn dê.

Mới đây trong hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, huyện cũng đã xác định dê là loại vật nuôi chủ lực của huyện trong thời gian tới”.

Phước Giang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoat-ngheo-nho-mo-hinh-chan-nuoi-de-o-vinh-long-post646212.html