Kỷ lục của VOSCO: Cổ phiếu lập đỉnh, 1 tháng tăng giá gấp rưỡi

VOS ghi nhận chuỗi 9 phiên tăng giá liên tiếp, với 4 phiên tăng trần, đưa giá cổ phiếu lên mức đỉnh trong vòng hơn 1 năm kể từ đầu năm 2023.

Cổ phiếu tăng theo diễn biến ngành

Kết phiên 15/5, cổ phiếu VOS của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (HoSE: VOS) đã ghi nhận mức giá đỉnh cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay ở mức 14.950 đồng/cổ phiếu.

Mức giá này là kết quả của 9 phiên tăng điểm liên tiếp trên sàn chứng khoán mà VOS ghi nhận được, kể từ phiên 3/5 đến phiên 15/5. Từ mức giá mở cửa phiên 3/5 10.550 đồng/cổ phiếu, VOS đã có bước tăng chuỗi 9 ngày liên tiếp, thêm hơn 41%.

Trong đó, VOS đã có 4 phiên tăng trần trong chuỗi tăng này. Tính từ mức 9.900 đồng/cổ phiếu trong phiên 19/4, thị giá của VOS đã tăng gấp rưỡi trong vòng chưa đầy 1 tháng. Vốn hóa của công ty cũng chính thức vượt mức 2.000 tỷ đồng.

Về thanh khoản, trong 8 phiên trở lại đây, khối lượng khớp lệnh trong những phiên gần đây nhiều ghi nhận 2,8 – 8,4 triệu đơn vị, cao hơn mức trung bình 3 tháng đổ lại đây (hơn 1,9 triệu đơn vị/phiên).

Bên cạnh VOS, các cổ phiếu nhóm vận tải biển cũng có những diễn biến tích cực. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ghi nhận tăng 8%, VTO của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco (HoSE: VTO) ghi nhận tăng 12,44%, VIP của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco (HoSE: VIP) ghi nhận tăng 13%, PVT của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khi (HoSE: PVT) ghi nhận tăng 15,35%.

Dòng tiền cũng chảy các cổ phiếu nhóm vận tải biển nhiều hơn khi các mã này đều có mức thanh khoản tăng bằng lần so với giai đoạn trước.

Giới phân tích nhận định, những biến động của cổ phiếu nhóm vận tải biển xuất phát 1 phần từ sự bất ổn tại khu vực Trung Đông từ cuối năm 2023, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải khu vực biển Đỏ - nơi có kênh đào Suez huyết mạch chiếm 15% tổng lưu lượng vận tải biển toàn cầu.

Căng thẳng biển Đỏ đã dẫn tới tình trạng giá cước vận tải tăng mạnh, một mặt ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, mặt khác các doanh nghiệp vận tải biển lại hưởng lợi nhờ giá cước tăng trong ngắn hạn.

Theo đại diện của Tập đoàn vận tải biển Maersk trong một tuyên bố mới đây, tình hình ở Biển Đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài ít nhất đến cuối năm.

Kế hoạch doanh thu ‘giật lùi’, không chia cổ tức

Ban lãnh đạo VOS cho biết năm 2024 bắt đầu với những diễn biến khá tích cực của thị trường tàu dầu sản phẩm, tuy nhiên thị trường tàu hàng khô và tàu container vẫn đang duy trì ở mức thấp.

Đội tàu mà VOS sở hữu đã bị thu hẹp đáng kể khi công ty thực hiện tái cấu trúc đội tàu. Một số tàu tuổi cao kéo theo tình trạng kỹ thuật hạn chế, mức tiêu thụ nhiên liệu cao so với thế hệ tàu eco mới. Do đó, VOS dự báo chi phí sửa chữa, bảo quản bảo dưỡng để duy trì tình trạng tàu sẽ tăng lên.

Ngoài ra, VOS cho biết các quy định tiêu chuẩn của bộ luật quản lý an toàn hàng hải do tổ chức hàng hải thế giới (IMO) ban hàng ngày càng khắt khe hơn đối với vấn đề ô nhiễm, phòng chống ô nhiễm, giảm phát thải cacbon,… sẽ đòi hỏi công ty phải có những khoản đầu tư để đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Năm 2024, VOS lên kế hoạch doanh thu đi lùi, giảm 28,2% so với mức thực hiện năm 2023, tương ứng đạt 2.440 tỷ đồng. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 323 tỷ đồng, tăng 61,5%.

Sau khi tái cấu trúc đội tàu, VOS dự kiến đầu tư phát triển thêm 1 tàu hàng rời cỡ 38.000 dwt, 1 tàu hàng rời cỡ 64.000 dwt và 1 tàu dầu cỡ 50.000 dwt nếu thị trường thuận lợi, giá tàu hợp lý để khai thác. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tìm kiếm, thuê thêm tàu về khai thác.

Hiện nay VOS đang đang thuê bareboat 2 tàu dầu sản phẩm cỡ 50.000 dwt, 2 tàu dầu/hóa chất cỡ 13.000dwt và một số tàu hàng khô. Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại ngày 31/12/2023, VOS quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 433.674 DWT gồm 7 tàu hàng khô, 4 tàu dầu và 2 tàu container.

Về kế hoạch thanh lý, VOS dự kiến bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh, trọng tải 47.148 dwt đóng năm 2004 (đã trên 20 tuổi). Ngoài ra, Công ty mẹ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng giao cho VOS xem xét thanh lý thêm tàu Vosco Star và 2 tàu container.

Với kế hoạch phân phối lợi nhuận, VOS dự kiến không chia cổ tức cho cổ đông vì năm 2024 cần nhu cầu vốn lớn để đầu tư mở rộng đội tàu. Đây là năm thứ 13 liên tiếp VOS “nợ” cổ tức với cổ đông. Trong lịch sử hoạt động, 2010 là năm hiếm hoi mà VOS tiến hành chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt.

Như vậy, nhà đầu tư đang nhắm tới cổ phiếu VOS không vì khả năng tăng giá trong tương lai, vì khả năng đem lại dòng tiền cổ tức đều đặn là không khả thi.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ky-luc-cua-vosco-co-phieu-lap-dinh-1-thang-tang-gia-gap-ruoi-d110771.html