Thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc, cách nào?

EU đang đối mặt vô vàn khó khăn khi muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng sạch từ Trung Quốc.

Vào tuần tới, các nhà lãnh đạo hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp tại Tây Ban Nha để bàn việc giảm phụ thuộc pin mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác từ Trung Quốc.

Tua bin gió ở Calahorra, Tây Ban Nha. Nguồn: Nikkei Asia

Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây cho rằng nỗ lực trên của châu Âu là vô nghĩa khi quốc gia tỷ dân vẫn đang thống trị tuyệt đối trong lĩnh vực công nghệ xanh.

Rõ ràng, nhiệm vụ của châu Âu là vô cùng gian nan khi Trung Quốc chiếm hơn 30% sản lượng năng lượng sạch toàn cầu - nhiều hơn mức của Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại.

Nền kinh tế số hai thế giới đang cung cấp 4/5 tổng sản lượng pin mặt trời và hơn 90% tổng sản lượng pin lithium – nguyên liệu quan trọng cho sản xuất xe điện – của EU.

Đặc biệt, nền kinh tế của “lục địa già” đang dễ tổn thương hơn bao giờ hết kể từ sau đại dịch Covid-19 và khởi phát xung đột Nga-Ukraine. Châu Âu luôn phải dè chừng trước các động thái của Trung Quốc do có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng sạch quan trọng.

Dù là vậy, nhiệm vụ cấp thiết của châu Âu vẫn là đa dạng hóa nguồn cung trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động, bởi đối thủ có thể sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng này cho các động cơ chính trị.

Bên cạnh đó, EU cũng không nên chỉ dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc vì một mình Bắc Kinh không đủ sức hoàn thành tất cả mọi khâu từ khai thác cho đến sản xuất thiết bị cho quá trình chuyển đổi xanh.

Tất nhiên, sẽ rất khó để châu Âu có thể độc lập hoàn toàn với Trung Quốc, với việc các chính sách của EU thường có giới hạn nhất định như: đảm bảo 10% nguồn cung đất hiếm và lithium nội khối, hay mỗi nước thành viên giới hạn nhập khẩu ngoại khối ở mức 65%.

Giới chuyên gia cho rằng châu Âu cần phải quan sát kỹ những động thái của Trung Quốc nhằm hạn chế xuất khẩu gali và germani – nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn, hay than chì – nguyên liệu quan trọng cho sản xuất xe điện – sang Thụy Điển.

Thêm nữa, EU có thể hợp tác với Nhật Bản nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản có thể cung cấp mô hình phát triển các chuỗi cung ứng xanh như khai thác, chế biến và sản xuất kim loại cho nam châm và pin. Nhật hiện sản xuất hơn 1/3 sản lượng nam châm đất hiếm có hiệu suất cao đối với ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.

EU cũng có thể tận dụng mối quan hệ đối tác với Mỹ, Canada và Australia, hay các nước giàu khoáng sản ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, để đẩy nhanh tiến trình giảm thiểu rủi ro.

"Lục địa già" có thể khai thác tiềm năng khoáng sản của khu vực Bắc Âu trong dài hạn, tuy nhiên cần phải tăng cường tái chế và phát triển công nghiệp tuần hoàn.

Hiện một số quốc gia châu Âu đã đạt thành tựu nhất định trong khai thác khoáng sản. Phần Lan tinh chế 10% sản lượng coban của thế giới, còn Bỉ và Đức cũng làm chủ công nghệ tinh chế germani. Estonia lại là quê hương của một trong những nhà sản xuất đất hiếm bên ngoài Trung Quốc.

Châu Âu đang đối diện với việc không thể tự sản xuất siêu nam châm cho xe điện và tua-bin gió. Theo Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm, nguồn cung nam châm lớn nhất của EU đến từ Trung Quốc. Nhằm khắc phục tình trạng này, Neo Performance Materials, Canada đang nỗ lực phát triển các mỏ nam châm từ Bắc Mỹ đến châu Âu, tuy nhiên cần có sự viện trợ của chính phủ cho quá trình sản xuất và chống các chính sách độc quyền của Trung Quốc.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lieu-chau-au-co-the-thoat-khoi-trung-quoc.html