Quan điểm của giới chuyên gia về việc Mỹ áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc

Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc Mỹ áp thuế bổ sung với một số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc dường như không tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp liên quan của nước này, khi động thái của Mỹ được thúc đẩy không phải bởi các yếu tố kinh tế mà nhằm cho thấy lập trường cứng rắn trước Trung Quốc.

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 23/1/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 23/1/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Bên cạnh các loại thuế đang được áp dụng hiện nay theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 của Mỹ, Chính phủ Mỹ ngày 14/5 đã quyết định áp thuế bổ sung lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, pin lithium-ion, pin năng lượng Mặt trời, chất bán dẫn, thép, nhôm, thiết bị bảo hộ cá nhân,...

Kể từ năm nay, Chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế lên xe điện (EV) nhập khẩu của Trung Quốc từ 25% lên 100%. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu đối với pin năng lượng Mặt trời của Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên 50%. Thuế đánh vào một số loại nhôm và thép nhập khẩu từ nước này cũng sẽ tăng mạnh, từ 7,5% lên 25%.

Sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc cùng ngày cho biết sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty nước này, các nhà quan sát thị trường cho rằng Trung Quốc có một số lựa chọn để phản ứng trước động thái của Mỹ, có thể không nhất thiết nhằm vào xe ô tô của Mỹ mà có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.

Người đứng đầu Viện lưu thông và tiêu dùng thuộc Viện Thương mại và Hợp tác Quốc tế Trung Quốc, Dong Chao, cho rằng hiện xe điện của Trung Quốc chiếm một thị phần nhỏ tại Mỹ, do đó những tác động trước mắt từ việc tăng thuế sẽ tương đối hạn chế.

Tuy nhiên, lý do đằng sau hành động của Mỹ là thị phần EV của Trung Quốc tại Mỹ sẽ tăng nếu không có sự can thiệp. Theo Giáo sư về kinh tế năng lượng tại Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc, Ding Rijia, nhiều thương hiệu xe điện trên toàn cầu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, từ Tesla và Toyota đến BMW và Mercedes-Benz. Với việc Mỹ áp thuế bổ sung, chi phí để sản xuất những chiếc EV có thể sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhấn mạnh đến việc thép, nhôm và ô tô của Trung Quốc hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng của Mỹ, Giáo sư Ding cho rằng thay vì thắt chặt các thị trường ngách, các biện pháp mới nhất của Chính phủ Mỹ nhằm mục tiêu hạn chế tăng trưởng nhập khẩu hơn.

Chia sẻ quan điểm trên, người đứng đầu Viện Nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc, thuộc Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Lin Boqiang, cho rằng mục tiêu của việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm năng lượng Mặt trời là để hạn chế sự phát triển của lĩnh vực này. Ngành này có lợi thế lớn về công nghệ, giá và dịch vụ hậu mãi, nhờ nhiều năm phát triển quy mô lớn. Tuy nhiên, tác động trực tiếp từ động thái của Mỹ đến lĩnh vực năng lượng Mặt trời của Trung Quốc là hạn chế, khi xuất khẩu tới Mỹ không lớn.

Theo số liệu của Hiệp hội ngành năng lượng Mặt trời Trung Quốc, thị trường xuất khẩu mô-đun năng lượng Mặt trời đã đa dạng hơn trong năm ngoái. Trong thời gian từ tháng 1 - 10/2023, Mỹ không nằm trong Top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Lê Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-diem-cua-gioi-chuyen-gia-ve-viec-my-ap-thue-bo-sung-voi-hang-hoa-trung-quoc-20240516213919854.htm