Thỏa thuận thương mại Anh - Nhật phụ thuộc vào Brexit

Theo phân tích của các chuyên gia trên Thời báo Nhật Bản ngày 4/6, những hy vọng của nước Anh về một thỏa thuận thương mại nhanh chóng với Nhật Bản cuối cùng sẽ dựa trên thành công của cuộc đàm phán chính giữa London và Liên minh châu Âu về một thỏa thuận thương mại mới hậu Brexit.

Các cuộc đàm phán trực tuyến về một hiệp định thương mại tự do mới giữa Anh và Nhật Bản sẽ sớm bắt đầu, nhưng có thể đạt được rất ít kết quả do thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán quan trọng ở Brussels, nơi sẽ tập trung rất nhiều sự quan tâm của Tokyo. Và ngay cả khi các nhà đàm phán từ Anh và Nhật Bản bắt đầu thảo luận về các điều khoản của một thỏa thuận thương mại mới, lợi ích của các nhà sản xuất thực phẩm và các nhà vận động hành lang trong nước có thể khiến việc một thỏa thuận trở nên khó khăn hơn so với dự đoán ban đầu.

Tiết lộ về mục tiêu đàm phán cho các cuộc đàm phán song phương hồi tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết, cả hai bên đều cam kết đưa ra một mốc thời gian đầy tham vọng để đảm bảo một thỏa thuận vượt xa cả hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa EU và Nhật Bản, đặc biệt là về kỹ thuật số và dữ liệu. Hiệp hội Nhật Bản tại Anh cho rằng, cuối cùng sẽ khá dễ dàng để có được một thỏa thuận giữa Nhật Bản và Vương quốc Anh bởi vì có thiện chí từ cả hai phía và những khoảng trống không quá lớn. Nhưng không bên nào sẽ tiến lên cho đến khi các điều khoản của thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và EU rõ ràng hơn. Điều này là do Nhật Bản có nhiều công ty con sản xuất và dịch vụ dựa vào việc tiếp cận dễ dàng với thị trường EU từ cơ sở tại Anh.

Các nhà đàm phán Anh-Nhật ngày 8/2/2020 tại Tokyo

Các cuộc đàm phán giữa Anh và EU hiện đang ở trạng thái mong manh, với một số nhà quan sát dự đoán rằng các cuộc đàm phán sẽ được kéo dài sang năm tới. London được tự do thực hiện các thỏa thuận thương mại mới từ tháng 1. Nếu Anh cho thấy không thể tiến tới một thỏa thuận với Brussels, hai bên sẽ trở lại các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới, điều đó có nghĩa là rào cản lớn hơn đối với thương mại.

Theo hiệp định Đối tác kinh tế giữa EU và Nhật Bản, thuế quan và hạn ngạch đối với một loạt các mặt hàng, bao gồm cả thực phẩm, đồ uống, quần áo và xe hơi, đã bị bãi bỏ hoặc sẽ được giảm theo thời gian. London rất muốn duy trì chế độ EPA trong các cuộc đàm phán riêng với Tokyo và cũng giảm thuế đối với một số hàng hóa được bán tốt ở thị trường Nhật Bản bao gồm cả bánh kẹo, rượu whisky, sản phẩm da, dệt may, giày dép và quần áo. Tuy nhiên, Nhật Bản đã báo hiệu rằng họ sẽ không chỉ đơn giản là sao chép lại các điều khoản từ hiệp định với Liên minh châu Âu trong thỏa thuận với Anh. London sẽ tìm kiếm các quy định nâng cao về dữ liệu, dịch vụ tài chính, công nhận trình độ chuyên môn và cải thiện quyền tiếp cận cho các nhà cung cấp dịch vụ của Anh, theo mục tiêu được công bố ngày 12/5.

Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế châu Âu cho biết, bất chấp tham vọng của Anh, các FTA sẽ không bao giờ đơn thuần là sự sao chép các điều khoản. Nhật Bản đã đóng lại cánh cửa về những cải cách nông nghiệp hơn nữa, bao gồm cả những nhượng bộ đối với Liên minh châu Âu và Anh. Sẽ mất rất nhiều thời gian để Thủ tướng Shinzo Abe thuyết phục quốc hội nước này về những điều khoản tương tự cho Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, có một số nhượng bộ mà London có thể đưa ra để mở đường cho một thỏa thuận. Một điều đã được đưa ra là ngay lập tức giảm thuế quan đối với ô tô Nhật Bản, thay vì giảm dần theo EPA. Vương quốc Anh có thể đảm bảo rằng các tranh chấp tiềm năng giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Chính phủ Anh được quyết định thông qua trọng tài thay vì các tòa án đầu tư thường trực. Ưu tiên của EU đối với các tòa án đầu tư thường trực là một mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán của EPA, vì Nhật Bản ủng hộ các trọng tài.

Ngoài ra, Vương quốc Anh có thể linh hoạt hơn về thị thực cho các chuyên gia Nhật Bản và gia đình của họ được chuyển đến nước này. Về dữ liệu, London có thể đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn về luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới so với theo EPA. Điều này sẽ bao gồm việc cấm chặn luồng dữ liệu và nội địa hóa dữ liệu yêu cầu các công ty giữ lại dữ liệu trên các máy chủ trong một quốc gia, dẫn đến chi phí lớn hơn. Các cuộc đàm phán song song với FTA có thể dẫn đến sự tương đương về quy định lớn hơn trong lĩnh vực tài chính. Điều này sẽ cho phép cả các ngân hàng Nhật Bản và Anh tái lập rất nhiều chức năng hỗ trợ từ các chi nhánh và do đó giảm chi phí. Tuy nhiên, chưa thể rõ liệu thỏa thuận Anh - Nhật sẽ là một cải tiến đáng kể về những gì đã được cung cấp theo EPA hay không.

Duy Hưng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoa-thuan-thuong-mai-anh-nhat-phu-thuoc-vao-brexit-138427.html