Thơ Cao Xuân Sơn

'Hình như ai gọi tên tôi/ Sân trường cũ chợt rung hồi chuông xưa/ Chao ôi ký ức đánh lừa/ Tôi xa phấn trắng đã vừa mười năm' (Về trường cũ - Cao Xuân Sơn).

Vâng! Những câu thơ ấy đã giới thiệu điểm xuất phát của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 1982, Cao Xuân Sơn về dạy học ở Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa). Vừa bén hơi trường hơi lớp, thầy giáo Cao Xuân Sơn lại chuyển về Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai làm biên tập thơ báo Văn nghệ Đồng Nai kiêm cán bộ nghiệp vụ của Hội, đóng góp đáng kể vào buổi đầu xây dựng Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và phong trào sáng tác thơ Đồng Nai.

Năm 1991, nhà thơ Cao Xuân Sơn chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, trải nhiều cương vị công tác khác nhau. Trước khi nghỉ hưu, anh là Phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng kiêm Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cao Xuân Sơn là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu thế hệ 6X. Anh đã xuất bản 16 tập sách, trong đó có 6 tập thơ trữ tình - thế sự (chữ dùng của nhà thơ Phạm Đình Ân) và 10 tập thơ, tập truyện viết cho thiếu nhi. Cao Xuân Sơn được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997.

Năm 2011, nhà thơ Cao Xuân Sơn đoạt giải Bạc hạng mục Sách hay Giải thưởng Sách Việt Nam cho tập thơ viết cho thiếu nhi Con chuồn chuồn đẹp nhất. Năm 2020, Cao Xuân Sơn đoạt Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh với tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ.

Đồng Nai cuối tuần xin giới thiệu sự trở lại Đồng Nai của nhà thơ Cao Xuân Sơn bằng chùm thơ mới nhất anh vừa gửi.

Nhà thơ Đàm Chu Văn chọn, giới thiệu.

Vào chợ phù hoa

Cầm vàng vào chợ phù hoa

trắng tay chưa đủ gọi là cơn say

nửa đời chém gió phang mây

chỉ khi rủng rỉnh mới hay mình nghèo.

Sông Gianh

Giáo gươm tàn mọi cuộc cờ

dòng sông chiến địa đôi bờ lặng xanh

cạn ly này nữa, sông Gianh

hoang đường ư, cả lũy thành, bể dâu?

Băn khoăn

Hỏi người, người đã thiên thu

hỏi rừng, rừng đã thành khu bảo tồn

nói gì đây với cháu con?

rừng ơi, kỳ thực rừng còn ta không?

Lũa

Đuồn đuột thẳng chỉ đẹp lòng thợ vụng

thời gian giấu chơi riêng những tuyệt phẩm khù khoằm

còn lại gì, cây ơi, cứ lặng thinh mà lũa (*)

lặng thinh mà độc bản trước nghìn năm.

____

(*) Phần còn lại của các gốc cổ thụ sau khi chết, rất cứng và khó bị xâm hại

Cỏ lau

Trăng ngàn gió bãi phất phơ

nửa nhang nhác khói, nửa ngờ ngợ mây

đời cằn, tính ngọt ra cay

thì thôi, hoan lạc từng ngày ngất ngư.

Tiếng chuông chùa

Thinh không rơi tiếng chuông chùa

nguôi tan trăm nỗi được thua sang hèn

ơ hờ sương đọng búp sen

thèm như giọt nắng ngủ quên luân hồi.

Đủ

Đủ gần cho những chân tâm

đủ xa với những tri âm giả vờ

đường trần gió xác mưa xơ

về nghe tạnh hết bơ vơ: nhà mình.

Sực nhớ

Bất giác lần khân nắng ngã ba

lả say từng trận tóc xanh òa

hốt nhiên sực nhớ mùa đang cúc

lặng lẽ đêm về mộng ứa hoa.

Ví dầu

Ví dầu làm cánh chuồn chuồn

vui vui đậu xuống, buồn buồn bay lên

thăng không trống, giáng không kèn

chiều rơi, mặc kệ ai đèn ai giăng.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/tho-cao-xuan-son-3ea4b88/