Thiết thực nâng cao dân trí

Ban Tuyên giáo Trung ương và NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa phối hợp tổng kết 15 năm thực hiện Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2023 (gọi tắt là Đề án).

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh và cán bộ, chiến sĩ đọc sách trong Ngày hội Sách phối hợp tuyên truyền pháp luật của Sư đoàn 309. Ảnh: N.HÀ

Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Hoài Anh cho hay, 15 năm qua, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố cả nước gần 600 đầu sách, đĩa CD-ROM, CD Audio với hơn 14,4 triệu bản in. Trang thư viện điện tử của Đề án được xây dựng đầu năm 2020 và số hóa hơn 400 đầu sách.

Góp phần nâng cao dân trí

Nội dung các cuốn sách đa dạng về đề tài như: xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; phổ biến kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, khoa học kỹ thuật... Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống chính trị cấp xã; nâng cao đời sống dân trí của người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Các tỉnh, thành phố khi tiếp nhận sách theo quy định đã phân chia hợp lý theo từng đối tượng người đọc. Ví dụ như sách phục vụ công vụ của cán bộ, công chức được giữ lại trụ sở; những loại sách phổ biến pháp luật, khuyến nông, khoa học thường thức… được đưa về nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng phục vụ nhân dân.

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành được triển khai thí điểm đầu tiên nhiều nội dung của Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2023. Đề án được triển khai đáp ứng nhu cầu giải “cơn khát” tri thức tại cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tại H.Long Thành, việc trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn đã đạt nhiều kết quả ghi nhận. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện cùng các xã, thị trấn làm tốt việc quản lý, sử dụng, nghiên cứu sách, tạp chí có hiệu quả. Mỗi năm trung bình có từ 2-3 đợt trang bị sách; mỗi đợt 6-24 bản sách, các bản sách được cấp khá đa dạng, phong phú về thể loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc sách của độc giả trên địa bàn.

Đặc biệt, với hơn 80 đầu mối đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 đóng tại Đồng Nai, việc thực hiện Đề án đi vào nền nếp.

Trung tá Lê Văn Hiệp, Chính ủy Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (đóng tại H.Xuân Lộc) bộc bạch: “Việc đưa Đề án về tận các đơn vị có sức lan tỏa, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập và làm theo sách. Đặc biệt, với một đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, các loại sách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đón nhận nhiệt tình”.

Tiếp tục đưa Đề án vào chiều sâu

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, 15 năm qua, Đề án thực sự có ý nghĩa rất thiết thực đối với nhu cầu đọc, học, nghiên cứu và làm theo sách của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tại cơ sở. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; về trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời, nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân..., từ đó xác định mục tiêu, kế hoạch xuất bản phù hợp về đề tài, số lượng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho thấy, phải tiếp tục đổi mới công tác lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng sách đồng thời với việc tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án; đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong việc bảo quản và sử dụng sách. Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh cho hay, 15 năm qua, việc trang bị sách cho các đơn vị cấp xã có tác dụng thiết thực, phục vụ việc nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương. Song do sự phát triển của internet, sách, báo điện tử đang được cán bộ, đảng viên và người dân ưu tiên khai thác vì có ưu điểm tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng khi muốn khai thác trọng tâm nội dung nên việc đọc sách của Đề án có nhiều điểm hạn chế.

“Việc nghiên cứu xem xét hình thức xuất bản phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả hơn, ví dụ như xuất bản sách điện tử sẽ giảm chi phí lớn cho in ấn, vận chuyển, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện triển khai Đề án và giảm tải trong quản lý sách giấy và đưa Đề án đi sâu vào thực tiễn” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhấn mạnh.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/thiet-thuc-nang-cao-dan-tri-ebd4cfd/