Thị trường lao động hứa hẹn có bước tiến mới

Thị trường lao động năm 2023 đã được Chính phủ đặt ngang hàng so với các thị trường trọng yếu của nền kinh tế như thị trường vốn, thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản. Dù đây là một năm gặp nhiều khó khăn với số lao động mất việc tăng cao, tuy nhiên, thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại vào năm 2024. Đây là dự báo của ngành lao động, thương binh và xã hội khi nhu cầu thị trường thế giới tăng và nhu cầu trong nước đang phục hồi.

Nhu cầu trong nước tăng cao

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2024, nền kinh tế dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng.

Cụ thể, nhu cầu trong nước đang phục hồi; cải cách tiền lương trong năm 2024 sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Thị trường lao động dự kiến cũng phục hồi trở lại; các thách thức về lao động, việc làm đi liền với thách thức về bảo đảm an sinh xã hội.

Trên thực tế, những tín hiệu phục hồi của thị trường lao động đã được thể hiện ngay trong quý IV.2023. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý IV.2023 ước tính 52,5 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 401,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước.

Những tín hiệu phục hồi của thị trường lao động đang dần rõ nét trong quý I.2024

Ước tính cả năm 2023, lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683.000 người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm trước. Trong quý IV.2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180.000 đồng so với quý III.2023 và tăng 444.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm đến nay, thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm trước.

Từ đầu tháng 9.2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Các tháng cuối năm 2023, thị trường lao động khởi sắc theo đà phục hồi của kinh tế - xã hội, thể hiện qua chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ tăng như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh...

Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, theo lãnh đạo Cục Việc làm, năm 2023, hơn 1,1 triệu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng trợ cấp này. Bên cạnh đó, đã có 2,35 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; số người được giới thiệu việc làm như vậy tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Còn trong quý I.2024, thị trường lao động cũng liên tục đón những tin vui với lượng tuyển dụng tăng cao từ những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Vũng Tàu…

Mong chờ cú hích từ thể chế

Nhận định thêm năm 2024, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, đất nước sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như thị trường lao động mất cân đối cung - cầu, lao động cục bộ, chất lượng lao động còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng nhu cầu…

Vì thế, theo ông Lê Văn Thanh, năm nay, cần tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách về thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, hơn hết là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh và phát hiện những nội dung mới, làm cơ sở để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước.

Đặc biệt, cần tập trung hơn nữa trong việc xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian, để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới. Tiếp đó, Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.

Ngành lao động rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ...) ngay sau Tết để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.

Toàn ngành thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chia sẻ, trong năm 2024, Cục Việc làm xác định, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), dựa trên nguyên lý xuyên suốt là việc làm phải gắn với thị trường lao động. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm không chỉ dành cho đối tượng yếu thế mà còn khơi nhiều nội dung mới như việc làm xanh, việc làm công bằng, việc làm cho người cao tuổi…

Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ xây dựng nội hàm để củng cố thể chế, luật hóa chủ trương phát triển thị trường lao động, thể hiện vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng sẽ làm rõ vai trò doanh nghiệp tham gia thị trường lao động, cung cấp, kết nối với hệ thống trung tâm việc làm của Nhà nước.

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thi-truong-lao-dong-hua-hen-co-buoc-tien-moi-i360385/