Thị trường hồi phục nhưng cần nhiều thời gian để tìm vùng cân bằng

Theo đánh giá chung, Vn-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.100 điểm nhưng vận động tích cực trong phiên cuối tuần, mang lại kỳ vọng phục hồi, song trung hạn cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh trong tuần với giá trị 902,24 tỷ đồng trên HoSE. (Ảnh: Vietnam+)

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh trong tuần với giá trị 902,24 tỷ đồng trên HoSE. (Ảnh: Vietnam+)

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, VN-Index đã có một tuần giao dịch biến động mạnh. Phiên đầu tuần, chỉ số phục hồi từ vùng giá 1.085 điểm và tăng lên vùng kháng cự 1.115 điểm -1.120 điểm. Sau đó, áp lực bán đột biến gia tăng khiến VN-Index điều chỉnh quanh vùng 1.075 điểm (tương ứng vùng giá thấp nhất ngày 20/10) và bắt đầu hồi phục trở lại. Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.095,61 điểm và giảm -0,51% so với tuần trước. Bên cạnh đó, HNX-Index kết thúc tuần giảm nhẹ 0,19% và về mức 226,10 điểm.

Nhà đầu tư ngoại bán ròng 902 tỷ đồng trên HoSE

Trong tuần thanh khoản trên HoSE đạt 91,184 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 16%. Trên sàn HNX, thanh khoản giảm 1,4% với 11.168,45 tỷ đồng được giao dịch. Hiện, thanh khoản vẫn đang duy trì ở mức cao, trên trung bình trong 3 tuần liên tiếp. Điều này cho thấy dòng tiền ngắn hạn vẫn đang duy trì tốt trong thị trường.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh trong tuần với giá trị 902,24 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, họ bán ròng khá mạnh cổ phiếu ngân hàng VPB. Mặt khác, khối ngoại mua ròng giá trị 4,68 tỷ đồng trên HNX.

Ông Nguyễn Khắc Thành chia sẻ trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin, như ngày 15/11, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 69/2023/TT-BTC cho biết sẽ không tiếp nhận niêm yết cổ phiếu mới trên sàn HNX từ ngày 1/7/2025 và chậm nhất đến hết năm 2026 sẽ hoàn thành việc chuyển toàn bộ cổ phiếu từ sàn HNX lên sàn HoSE; Sáng ngày 22/11, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

Theo đó, các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực nhất trong tuần khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản thấp do không thu hút dòng tiền tham gia, cụ thể STB (-3,58%), TCB (-3,53%), ACB (-2,86%), SGB (-2,26%), SHB (-2,23%)... Ngoài các mã tăng giá nhẹ với BID (+1,75%), EIB (+0,54%)...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có 02 phiên giao dịch biến động mạnh cuối tuần, tuy nhiên kết thúc tuần đa số vẫn tăng giá tốt so với tuần trước, thanh khoản tăng mạnh với BSI (+8,83%), VDS (+5,96%), CTS (+5,81%), VND (+5,19%), MBS (+4,37%)... ngoài VFS (-9,62%) giảm mạnh.

Các cổ phiếu bất động sản cũng có tuần giao dịch biến động mạnh, song thanh khoản gia tăng đột biến và đa số các mã giảm điểm, như QCG (-7,47%), ITC (-5,12%), LGL (-3,33%), TDH (-2,89), PHR (-2,49%)... Ngoài ra, một số các mã vẫn tăng giá với các đại diện, như L14 (+10,43%), NVL (+9,32%), NTL (+8,00%), SJS (+4,60%)... với thanh khoản vượt mức trung bình.

VN-Index khả năng sớm lấy lại mốc 1.100 điểm

Về kỹ thuật, ông Thành chỉ ra VN-Index giảm điểm và vẫn đang trong quá trình kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm. Song, mặc dù chỉ số chốt tuần nằm dưới ngưỡng 1.100 điểm nhưng vận động tích cực trong phiên cuối tuần. Điều này đem lại kỳ vọng thị trường tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, thị trường vận động “lỏng lẻo” do vậy sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy.

“Trong các viên tới, VN-Index khả năng sớm lấy lại mốc 1.100 điểm và hình thành nền tích lũy mới,” ông Thành đánh giá.

Về tình hình vĩ mô, ông Thành chỉ ra tình hình kinh tế-xã hội trong 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ sôi động, do các dự án đầu tư công sẽ tiếp tục được quyết liệt giải ngân, tín dụng cũng sẽ cải thiện hơn. Tuy vậy, tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, diễn biến giá năng lượng khó lường khi mùa đông tới gần. Thêm vào đó, thị trường bất động sản và trái phiếu chưa thể sớm phục hồi.

"Với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp,” ông Thành nói.

Lạc quan hơn đồng thời khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán trong nước chưa bị vi phạm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chỉ ra phiên ngày thứ Sáu khi các chỉ số chứng khoán phục hồi ấn tượng và đóng cửa cao nhất phiên. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đáy 2 thành công tại vùng 1.070-1.080 điểm.

Về cơ bản, ông Hinh đánh giá các thông tin vĩ mô dần tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu và bơm trả lại thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Theo đó, một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động, như BIDV giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về còn 4,8%. Những diễn biến này cho thấy môi trường chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục được duy trì theo hướng nới lỏng (hỗ trợ cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng). Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng dòng tiền thông minh sẽ bớt “tâm lý thận trọng” và dần quay trở lại thị trường.

“Hướng sang thị trường bất động sản, Chính phủ cũng đang hết sức quyết liệt gỡ vướng về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản, trong đó có những dự án của các doanh nghiệp bất động sản lớn. Nhìn sang Trung Quốc, Chính phủ nước này cũng đang có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn đà giảm và vực dậy thị trường bất động sản. Có thể thấy rằng, xu hướng hỗ trợ tăng trưởng đang là xu hướng chung của nhiều nước châu Á không riêng gì Việt Nam,” ông Hinh nói.

Với định hướng chính sách như vậy, ông Hinh kỳ vọng vào xu hướng phục hồi của tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4 cũng như năm 2024 và điều này sẽ giúp tạo xung lực cho thị trường chứng khoán./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-hoi-phuc-nhung-can-nhieu-thoi-gian-de-tim-vung-can-bang-post909936.vnp