Thị trường chứng khoán: Dòng tiền vẫn sẵn sàng bắt đáy, biên độ tích lũy duy trì

Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần (20 -24/11) biến động mạnh. Chỉ số VN-Index có 4 phiên tăng, chỉ 1 phiên giảm, nhưng kéo theo cả tuần giảm điểm. Thanh khoản thị trường giảm không đáng kể và duy trì ở mức khá, cho thấy dòng tiền vẫn sẵn sàng bắt đáy khi giá điều chỉnh sâu. Nhiều khả năng biên độ tích lũy vẫn được giữ và khả năng giảm sâu là không lớn trong tuần tới.

Thị trường chứng khoán trong nước có một tuần biến động khá lớn. Mặc dù mức giảm điểm tính chung cả tuần không lớn, nhưng các nhịp điều chỉnh xuất hiện ở các phiên giao dịch, đặc biệt là phiên giảm nhanh và mạnh ngày 23/11. Chỉ số VN-Index có tuần giảm thứ 2 liên tiếp cho dù có tới 4/5 phiên tăng trong tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.095,61 điểm, giảm -5,58 điểm, tương đương -0,51% so với phiên cuối của tuần trước. Tuy vậy, kể từ đầu tháng 11, thị trường đã hồi lại 6,56% và thanh khoản cũng tăng đáng kể cho với tháng 10. Điểm nhấn đáng chú ý trong tuần vừa qua là phiên giảm mạnh -25,33 điểm (-2,27%), đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ mức đáy 1.020 điểm, để mất ngưỡng 1.100 điểm.

Ngược dòng thị trường là nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình khi vẫn duy trì mạch tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp. Trong tuần nhóm cổ phiếu này vẫn có mức tăng nhẹ +0,26%, trong khi nhóm vốn hóa nhỏ giảm -0,04%. Nhóm VN30 vẫn là lực cản của thị trường với mức giảm -1,47%, qua đó ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cùng giảm trong tuần qua. Theo đó, chỉ số HNX-Index ghi nhận mức giảm -0,2% xuống còn 226,10 điểm và UPCoM-Index giảm mạnh -1,2% để đóng cửa tại 84,99 điểm.

Diễn biến giá các nhóm ngành cũng không thực sự tích cực trong tuần và có sự phân hóa giữa các ngành, tuy vậy, trong từng ngành vẫn có những cổ phiếu nhận được sự quan tâm của dòng tiền và tăng khá tốt.

Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực nhất trong tuần qua khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản thấp, không thu hút dòng tiền tham gia như: STB (-3,58%), TCB (-3,53%), ACB (-2,86%), SGB (-2,26%), SHB (-2,23%)... Trong khi đó, BID (+1,75%), EIB (+0,54%)... tăng giá nhẹ.

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có 2 phiên giao dịch biến động mạnh cuối tuần, tuy nhiên kết thúc tuần đa số vẫn tăng giá tốt so với tuần trước, thanh khoản tăng mạnh với BSI (+8,83%), VDS (+5,96%), CTS (+5,81%), VND (+5,19%), MBS (+4,37%)...

Các cổ phiếu bất động sản cũng có tuần giao dịch biến động mạnh, thanh khoản gia tăng đột biến, tuy nhiên kết thúc tuần đa số giảm điểm như QCG (-7,47%), ITC (-5,12%), LGL (-3,33%), TDH (-2,89), PHR (-2,49%)... Ngoài ra, vẫn có các mã tăng giá và thanh khoản vượt mức trung bình như L14 (+10,43%), NVL (+9,32%), NTL (+8,00%), SJS (+4,60%).

Các nhóm ngành khác không có nhiều diễn biến nổi bật trong tuần, kết thúc tuần đa số biến động trong biên độ hẹp, duy trì quá trình tích lũy với thanh khoản cải thiện khá tốt.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tuần này giảm nhẹ -0,2% so với tuần trước, ở mức 21.160 tỷ đồng/phiên, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt 1,5% còn 19.013 tỷ đồng/phiên. Tuy vậy, đây là tuần thứ 3 liên tiếp thanh khoản thị trường trở lại trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng sau 5 tuần liên tiếp.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tuần này giảm nhẹ -0,2% so với tuần trước, ở mức 21.160 tỷ đồng/phiên, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt 1,5% còn 19.013 tỷ đồng/phiên. Tuy vậy, đây là tuần thứ 3 liên tiếp thanh khoản thị trường trở lại trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng sau 5 tuần liên tiếp để mất ngưỡng thanh khoản cao này.

Khối ngoại vẫn chưa dừng bán ròng trong tuần. Theo đó, khối ngày đã bán ròng 947 tỷ đồng trong tuần vừa qua, nâng lũy kế giá trị bán ròng tính từ đầu năm tăng lên mức -12.289 tỷ đồng. Đáng chú ý là khối ngoại vẫn gom mạnh nhóm chứng khoán như: SSI, VND… trong khi bán ròng mạnh VPB và VHM.

Nhìn tổng quan thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy, mặc dù có sự biến động khá mạnh nhưng thị trường vẫn duy trì được vùng tích lũy xung quanh mốc VN-Index 1.100 điểm. Vùng tích lũy này đang cho thấy khá vững chãi khi lực bắt đáy thường xuyên xuất hiện khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về dưới ngưỡng này. Thanh khoản nhìn chung vẫn trên 20 nghìn tỷ và luôn sẵn sàng bắt đáy cũng sẽ củng cố tốt hơn cho vùng tích lũy này.

Thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn giữ chân được dòng tiền vào lại khi lực bắt đáy đã xuất hiện mỗi khi giá giảm sâu. Vùng xung quanh 1.100 điểm đang cho thấy một lực tích lũy rất lớn.

Thị trường chứng khoán tuần qua cũng xuất hiện không ít thông tin không thực sự tích cực. Thị trường đón nhận thông tin khá sốc liên quan tới vụ án tại Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh… và đương nhiên tâm lý nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng một phần. Tuần qua, Luật Đất đai đã được quyết định chưa thông qua trong kỳ hợp này cũng là một thông tin ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư và giới kinh doanh bất động sản…

Thế giới vẫn còn khó lượng, nhưng thị trường đặt kỳ vọng nhiều hơn vào các thông tin kinh tế vĩ mô cuối năm. Giải ngân đầu tư công sẽ tích cực hơn, tín dụng cũng sẽ cải thiện, sức khỏe doanh nghiệp tiếp tục sẽ hồi phục…là những yếu tố mà thị trường kỳ vọng sẽ tăng tốt hơn vào giai đoạn cuối năm nay, đầu năm sau.

Kỳ vọng VN-Index sớm lấy lại mốc 1.100 điểm trong các phiên tới và nền tích lũy sẽ hình thành trên 1.100 điểm. Phiên cuối tuần VN-Index có nỗ lực hồi phục tốt nên khả năng VN-Index vượt lên 1.100 trong tuần tới là khá cao.

Thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục và vận động lỏng lẻo, do đó sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. Chuyên gia của SHS kỳ vọng VN-Index sớm lấy lại mốc 1.100 điểm trong các phiên tới và nền tích lũy sẽ hình thành trên 1.100 điểm. Phiên cuối tuần VN-Index có nỗ lực hồi phục tốt nên khả năng VN-Index vượt lên 1.100 trong tuần tới là khá cao.

Còn theo chuyên gia của MBS, mặc dù đang có phần “hụt hơi” trong nhịp tăng kể từ đầu tháng 11 so với chứng khoán thế giới về chỉ số nhưng dòng tiền nội vẫn ở lại thị trường và duy trì trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng ở tuần thứ 3 liên tiếp khi các lực ở tháng 10 đang trở thành nhân tố hỗ trợ thị trường như: dòng tiền được bơm trở lại thị trường khi tín phiếu đáo hạn, tỷ giá giảm…

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có phiên hồi kỹ thuật khá tích cực khi thoái lui. Trong khi chỉ số này còn đang loay hoay chưa vượt được đỉnh tháng 11 (ở tuần trước) tương đương vùng 1.125 điểm (theo giá đóng cửa) thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn đang ở trên ngưỡng này. Do vậy, nhà đầu tư có thể lựa chọn cơ hội đầu tư ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Theo SHS, chỉ số VN-Index đang vận động lỏng lẻo nhưng vẫn còn động lực tăng điểm do đây là nhịp hồi đầu tiên sau giai đoạn giảm mạnh nên động lực hồi phục ngắn hạn thường lớn. VN-Index đang test lại hỗ trợ 1.100 điểm và nếu thành công thì nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân vào các mã thu hút dòng tiền. Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao./.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-dong-tien-van-san-sang-bat-day-bien-do-tich-luy-duy-tri-140215.html