Thi tốt nghiệp THPT môn văn: Có nên bỏ qua tác phẩm có trong đề minh họa?

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2024, nhiều sĩ tử đã 'mừng thầm' vì nghĩ rằng loại bỏ được tác phẩm khó.

Đề thi tham khảo môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh chụp màn hình).

Ngay sau khi đề minh họa được công bố, trong một nhóm liên quan đến giáo dục với hơn 1,8 triệu thành viên trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện bài đăng ngầm khẳng định sẽ bỏ qua tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

Thông tin lập tức nhận được sự quan tâm và chia sẻ của rất nhiều người, đặc biệt là các học sinh đang chuẩn bị tham dự kỳ thi này. Nhiều sĩ tử cảm thấy như “trút được gánh nặng” khi tác phẩm này được ra trong đề thi minh họa.

Chia sẻ của một sĩ tử về đề thi minh họa môn ngữ văn (Ảnh chụp màn hình).

Có nên bỏ qua tác phẩm đã ra trong đề minh họa văn thi tốt nghiệp THPT?

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề trên, ThS Phan Danh Hiếu (Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai) nhận định: “Học sinh rất dễ nghe và tin vào những đồn đoán vô căn cứ từ các trang mạng xã hội, rằng nên bỏ các tác phẩm đã ra trong đề thi minh họa.

Thực tế, thầy cô nào dạy môn văn 12 cũng đều dạy rất chỉn chu tất cả các tác phẩm đó chứ không ai dám bỏ qua, chỉ có học sinh học tủ mới bỏ qua tác phẩm đó.

Vậy nên, để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì chúng ta cần nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm đã được học trong chương trình để không bị động trước bất kỳ đề thi nào”.

Theo thầy Phan Danh Hiếu, như mọi năm, tác phẩm đã ra trong đề minh họa thì năm đó sẽ không xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, không vì vậy mà giáo viên và học sinh chủ quan bỏ qua tác phẩm đó. Đề thi tốt nghiệp THPT có thể chọn đoạn khác trong tác phẩm đó để ra.

Ths. Phan Danh Hiếu (Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai (Ảnh: NVCC).

Vì vậy cần nắm vững kiến thức tác phẩm một cách khái quát nhất và phải rèn luyện cho mình kỹ năng phân tích đoạn trích văn xuôi và đoạn trích thơ một cách vững vàng nhất. Có như vậy mới đáp ứng được kỳ thi sắp tới.

Thầy Hiếu nhấn mạnh: “Đừng học tủ, học lệch. Hãy tập trung vào kỹ năng vì có kỹ năng sẽ chinh phục được hết mọi đề thi”.

Cùng quan điểm với thầy Phan Danh Hiếu, cô giáo Võ Phạm Trúc Linh (tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Trường ĐH Cần Thơ, giáo viên có 2/5 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022) chia sẻ: “Khi ôn cho học sinh của mình, tôi vẫn dạy đầy đủ các tác phẩm, kể cả tác phẩm đã ra trong đề minh họa.

Vì học văn không chỉ để ôn thi, mà học văn còn là để thấu hiểu về giá trị của nhiều khía cạnh trong cuộc sống; cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người qua miêu tả sâu sắc, phong phú của nhà văn.

Khi các em học sinh có sự thấu hiểu về những giá trị mà tác phẩm, văn học mang đến, các em sẽ có thể linh hoạt vận dụng những tri thức ấy vào bài phân tích của mình.

Cô giáo Võ Phạm Trúc Linh (tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Trường ĐH Cần Thơ, giáo viên có 2/5 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022) (Ảnh: NVCC).

Ví dụ, khi các em học sinh học về bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, các em có thể kết nối, liên hệ với tùy bút “Người lái đò Sông Đà” đang cùng miêu tả vẻ đẹp độc đáo của những dòng sông, cùng bộc lộ tình yêu thiên nhiên, đất nước của hai tác giả.

Vì vậy, việc vẫn học tác phẩm đã ra cho đề minh họa vừa xây dựng, nuôi dưỡng cho các em về các giá trị mà tác phẩm mang đến; vừa giúp các em ôn kĩ lưỡng để không chênh vênh trước sự bất ngờ, biến hóa đa dạng của đề thi thật”.

Theo cô Linh, việc các bạn muốn bỏ qua một số tác phẩm được cho rằng ít trọng tâm là một suy nghĩ rất bình thường, không đáng chê trách nhưng cần phải lý giải, chia sẻ để các bạn hiểu thấu đáo hơn.

Ở giai đoạn này, nhiều bạn chịu áp lực về mục tiêu cao ở 3 môn trong khối thi nên thường mong muốn có thể lược bớt tác phẩm ôn thi để nhẹ gánh nặng hơn.

Tuy nhiên, việc tự ý đoán đề và bỏ ôn những tác phẩm theo phỏng đoán mang tính cá nhân sẽ dễ khiến các bạn học sinh thiếu sự thấu hiểu, kĩ năng phân tích nếu đề thi chính thức có nội dung liên quan đến những tác phẩm mà các bạn đã chọn bỏ lại.

“Những tác phẩm khó hay những tác phẩm thường được nhận định là ít vào đề thi đều là những tác phẩm nên được ôn tập để học sinh nhận biết được nội dung, nghệ thuật, thông điệp của nó.

Cách ôn bao quát và kĩ lưỡng sẽ giúp các em tạo được cho mình một cảm giác an toàn, không rơi vào tâm lí phỏng đoán rồi lo lắng, sợ hãi quá mức ở giai đoạn cận thi hoặc khi đối diện với đề thi chính thức.

Vẫn phải có sự chỉn chu, kĩ càng, thấu đáo trong quá trình ôn tập trước kì thi quan trọng của tuổi học trò, để tránh nuối tiếc hay hối hận về sau”, cô Linh nhấn mạnh.

Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia chia sẻ bí quyết học văn

Bạn Nguyễn Hải Thủy (giải Nhất quốc gia môn ngữ văn 2020) chia sẻ về bí quyết học môn ngữ văn như sau:

"Thứ nhất, tập trung nghe giảng, nghe lời khuyên từ thầy cô, bên cạnh đó, mình cũng tận dụng thời gian rảnh nghe các tập podcast (mạng xã hội thông tin bằng giọng nói) liên quan đến môn văn để nhớ kiến thức hơn.

Thứ hai, mình sẽ sử dụng những kiến thức tích lũy chia sẻ với bạn bè, để mình tự ôn lại kiến thức và hai bên học tập lẫn nhau.

Thứ ba, mình đọc các bài tham khảo, đọc lại những bài mình từng viết, đọc kĩ các tác phẩm trong chương trình và mở rộng vốn dẫn chứng ngoài chương trình.

Và cuối cùng, việc luyện viết thường xuyên là điều không thể thiếu nếu muốn bài viết đạt điểm cao. Mình thường viết các đề hoàn chỉnh cho từng tác phẩm, viết trước mở, kết bài, viết các đoạn nghị luận xã hội 200 chữ theo nhiều chủ đề. Trong quá trình viết, mình được bồi đắp kiến thức, trau dồi vốn diễn đạt thêm trôi chảy, sáng rõ hơn”.

Bạn Nguyễn Hải Thủy, giải Nhất quốc gia môn ngữ văn 2020 (Ảnh: NVCC).

Hải Thủy nói thêm: “Bỏ qua tác phẩm trong đề minh họa là tâm lý chung của không ít bạn học sinh. Tuy nhiên, chúng ta đều không chắc chắn sẽ thi vào bài gì, nên vẫn cần nắm được kiến thức và các dạng đề của tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.

Kỳ thi THPT Quốc gia là dấu mốc quan trọng trong suốt 12 năm học, vì vậy đừng vì một phút chủ quan mà lơ là bất kì tác phẩm nào.

Mình nghĩ không nên bỏ qua các tác phẩm được cho là khó và ít thi vào, bởi lẽ mỗi tác phẩm đều có giá trị riêng. Một mặt, học hết tác phẩm sẽ mang lại cảm giác an tâm, sẵn sàng đối mặt với bất cứ đề bài nào. Mặt khác, ta có thể dùng tác phẩm này để liên hệ, so sánh với tác phẩm kia tạo sự đa dạng, phong phú cho bài viết”.

Lê Nga

PV

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/thi-tot-nghiep-thpt-mon-van-co-nen-bo-qua-tac-pham-co-trong-de-minh-hoa-20240326121643454.htm