Thì thùng trống vật gọi xuân

Sân đình Nghè (làng Mai Động) khi tôi đến đã chật như nêm, dân làng cùng du khách đã vòng trong, vòng ngoài quanh sới vật. Giữa sân, hai đô vật cao to lừng lững, cơ bắp cuồn cuộn đang trình diễn các kỹ thuật gọi là 'ra giàng' hay 'se đài' nom rất ngộ.

Trống hội vẫn róng từng hồi, lúc thì thùng khoan nhặt, khi gấp gáp, rộn ràng, khiến lòng người nao nức trong không gian đặc quánh khí xuân. Là người yêu võ, cứ chờ đến mùng 4 Tết hằng năm là tôi lại rủ mấy huynh đệ đồng môn Nhất Nam tới trẩy hội làng tổ võ vật, để dâng hương tưởng nhớ vị Thành hoàng làng - Danh tướng Nguyễn Tam Trinh rồi thưởng lãm sới vật đầu Xuân đầy hứng khởi.

Hào khí đầu xuân

Đã thành lệ nên Tết Giáp Thìn này chúng tôi lại tìm về Hội vật xuân làng Mai Động (thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Các đô vật thi đấu tại Hội vật làng Mai Động.

Hội vật nơi đây đã có lịch sử ngót 2000 năm và được duy trì liên tục tới ngày nay. Thần phả đình Mai Động ghi lại, cụ Nguyễn Tam Trinh từ những năm đầu công nguyên (thế kỉ 1) đã đến làng Mai (nay là Mai Động) sinh cơ lập nghiệp. Cụ dạy dân cách làm đậu phụ, dạy chữ, đặc biệt là dạy đấu vật và mở các sới vật để người dân rèn luyện sức khỏe, khiến vùng này trở thành một trong những cái nôi kết tinh võ vật cổ truyền của dân tộc. Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra, cụ đã chiêu mộ trai tráng trong vùng để rồi trở thành vị quan Đô úy dẫn đầu đoàn quân đánh đuổi giặc Hán dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Trương Nữ Vương.

Tưởng nhớ công lao của cụ, dân trong vùng đã suy tôn cụ làm Thành Hoàng làng, dựng đền và đình bốn mùa thờ phụng. Hàng năm, lễ hội vật Mai Động được tổ chức từ mống 4 cho đến mồng 6-7 Tết, quy tụ nhiều đô vật ở nhiều độ tuổi, đến từ các “lò vật” nổi tiếng tại khu vực Hà Nội như Hoàng Mai, Lĩnh Nam, Mai Động, Yên Sở… cũng như ở nhiều địa phương có truyền thống võ vật như Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... về so tài cao thấp.

Trên sân đình lúc ấy, đứng bên cạnh tôi là những cao thủ Nhất Nam (một môn võ chiến đấu có nguồn gốc từ cổ xưa nhất của người Việt), nên từng chiêu thức của các đô vật đều được “soi” rất kỹ dưới góc nhìn chuyên môn. Bởi vậy mà cái hay, nét đẹp, tính độc đáo trong từng kỹ thuật, đòn miếng phô diễn trong trận, luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên đường về.

Theo truyền thống vật cổ truyền Việt Nam, trước khi vào trận hai đô vật phải biểu diễn màn chào hỏi, được gọi là “se đài”, hay “múa hạc”, “ra giàng”… với những động tác rất hùng dũng và ngồ ngộ.

Võ sư Trịnh Hồng Minh (Giám đốc Trung tâm bảo tồn võ Nhất Nam Việt Nam) giải thích: “Theo luật đấu, hai đô phải 3 bước lên, lại ba bước xuống, rồi ba lần ra, ba lần vào. Các động tác phải phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, lưng không được quay vào phía cửa đình hay phía Ban tổ chức. Đó không chỉ là những động tác chào hỏi, mà còn là nghi thức tâm linh của các đô vật thành kính hướng về tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc. Se đài luôn có chuẩn về nghi thức, nhưng vẫn thể hiện sự phóng khoáng, không chỉ khiêu khích đối thủ, mà còn thể hiện sự tự tin, sảng khoái, chủ động của mình khi lâm trận”.

Keo vật bắt đầu, 2 đô chít khăn xanh, khăn đỏ, thân hình vạm vỡ, mình trần, chân đất, đang khua chân, múa tay, tập trung cao độ để vờn, nhử, lừa miếng nhau, chỉ đợi đối thủ sơ hở là lao vào túm tay, bốc chân vật ngửa đối thủ. Các miếng phổ biến trong vật như “gồng”; “bốc”; “vét”; “sườn”; “mói”, “móc - chảo”; “vỉa lộn cối”; “giát bốc”; “bỏ thuốc”; “sườn cặp cổ”… được đôi bên thi triển trong tiếng hò reo cổ vũ vang dậy, tiếng trống gấp gáp, rộn rã.

Khi đô vật chít khăn đỏ dùng thế “đánh dịp nhì” để phá miếng “bốc”, “gồng ngồi” của đối thủ khăn xanh và quật anh này ngã lấm lưng trắng bụng, sân đình lại rầm rầm tiếng vỗ tay tưởng thưởng của đám đông, trống hội dồn theo khiến cảm xúc mùa xuân vỡ òa trong lòng mỗi người.

Theo Võ sư Đào Hoàng Long (Chủ tịch Hội di sản võ Nhất Nam thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) thì trong đấu vật truyền thống, người được chấm thắng nếu nhấc bổng được cả hai chân đối thủ lên khỏi mặt đất (gọi là Túc ly địa), chứ chỉ nhấc bổng một chân thì không tính; hoặc thắng nếu vật được đối thủ ngã ngửa, lưng và vai chạm đất (tức lấm lưng, trắng bụng), ngã xấp thì không tính.

Trong đấu vật không có hòa, chỉ có thắng hoặc thua (theo điểm số hoặc knock out). Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn giữ phong tục “vật thờ”. Nghĩa là keo “vật thờ” không phân định thắng thua giữa các đô, mà thường được kết thúc bằng một “miếng sườn”, sau đó cả hai đô cùng lộn một vòng rồi ngồi lại giữa sới, mắt hướng về người cầm trịch, với ý nghĩa cẩn cáo với Thành hoàng, tổ tiên về thành tích tập luyện của quê hương mình trong năm qua.

Keo “vật thờ” thường chỉ dành cho những lão đô cao tuổi đăng cai giải, những lão đô này phải là người có đức, có tài mới được chọn để giới thiệu miếng đánh “vật thờ” với người xem.

Một quy định khác trong bộ môn vật truyền thống là các đô không được đấm đá, bấm huyệt, móc xương quai xanh, chẹn hàm, bẻ cổ, lên gối, nắm tóc, móc mắt, cù lách, thọc cắn, nhổ bọt, văng tục, xé khố đối thủ, hay khi bị té ngã rồi không được móc chân cho đối thủ ngã theo.

Điều khá lạ lẫm trong bộ môn này là các cặp đôi khi thượng đài sẽ không căn cứ vào tuổi tác, giới tính hay trọng lượng cơ thể (hạng cân), mà chấp nhận sự khác biệt giữa họ.

Tuy thế nhưng trong đấu vật, điều gì cũng có thể xảy ra. Chẳng hạn như một đô nữ có thể gồng bốc, ném vèo một đô nam to khỏe qua vai, hoặc người thấp bé nhẹ cân, vẫn có thể cho một đô lực lưỡng vào thế “lấm lưng trắng bụng”. Thường thì bên cạnh các trận so tài giữa các đô chính (người thành niên), có các cuộc thi tài của các đô vật nhí để góp vui.

“Đấu vật đơn giản là chỉ dùng sức lực, vì không có vũ khí, phương tiện bổ trợ nào khác ngoài sự khéo léo, nhanh nhẹn và dẻo dai. Đô vật thi thố tài năng bằng cách quật ngã nhau. Có 2 miếng đánh chủ đạo của vật truyền thống đó là những miếng ngáng, miếng đệm làm cho đối phương ngã xuống, và những miếng bốc để nhấc bổng đối thủ lên. Khác với võ sĩ khi giao đấu bàn tay phải luôn cứng, chắc, các đô vật lại để hai bàn tay mở xòe và mềm mại, để dễ dàng cầm nắm, tiếp vít, túm bắt, quăng quật đối thủ. Trong đấu vật, thể lực không phải yếu tố quyết định, nghĩa là không phải cứ to cao hơn đối thủ sẽ thắng. Có nhiều trận, người nhỏ bé hơn vẫn chiến thắng đối thủ mạnh, có thể trạng hơn hẳn mình, hoặc chuyển bại thành thắng. Mấu chốt để giành thắng lợi là phải bình tĩnh, khôn khéo, linh hoạt, biết chớp thời cơ, ra đòn đúng lúc, đúng kỹ thuật” - Võ sư Long cho biết thêm.

Mạch ngầm tuôn chảy

Rời đám đông đang náo nhiệt, tôi đã có cuộc phỏng vấn “mi ni” với đô Nguyễn Văn Sơn đến từ lò vật làng Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) khi anh đang chờ tới lượt ra sân. Đam mê với vật từ bé, không chỉ hăng say luyện tập mà anh Sơn còn có một phông kiến thức khá đầy đặn về bộ môn võ thuật truyền thống này.

Hội vật làng Mai Động xuân Giáp Thìn.

Anh kể tại các xã thuộc tỉnh Hà Tây cũ có rất nhiều sới vật nổi tiếng xưa nay, như làng Núc (Canh Nậu); làng Phú Lễ, Phú Kim, Đông Quang, Ngô Tề (Quốc Oai)…Ở các tỉnh miền Bắc khác cũng có hàng trăm hội vật tổ chức vào dịp đầu Xuân mới, như ở Liễu Đôi (Hà Nam), Gia Lương, Tri Nhị, Đồng Kỵ (Bắc Ninh)… Ở huyện Tiên Du xưa, sới vật Đình Cả từng nổi danh khắp vùng, nơi đây có cụ Nguyễn Đình Bốn (tức đô Bốn) làm trưởng môn, đã xây dựng sân vật, thi đấu giao hữu nhiều sới vật trong khu vực và các tỉnh thành khác. Các anh em ruột của cụ như cụ Đám Bẩy, cụ Chánh Mười, Chánh Thu, con cháu cụ như ông Nhẫy, ông Nguyễn Đình Khôi, Nguyễn Đình Khả… và nhiều cụ trong sới vật của làng đã từng thi đấu và giành được giải cao ở nhiều lễ hội khu vực miền Bắc. Cùng sới vật Đình Cả, huyện Tiên Du còn có nhiều sới vật khác ở tại các xã Trung Mầu, Tri Phương, Đồng Nguyên...

Bản thân anh Sơn cũng học vật từ nhỏ ở quê nhà, trong làng anh có đến mấy lò vật. Trai tráng, trẻ con trong làng lấy học vật, đấu vật làm vui. Hàng ngày, xong công việc đồng áng, học hành, cứ rảnh rỗi là thanh thiếu niên trong làng thường rủ nhau đấu vật. Nếu không đến lò học vật thì tự chỉ bảo lẫn nhau, ai có miếng võ nào hay, ngón vật nào độc đáo thì lại truyền lại cho anh em cùng tập.

“Để học vật, trước tiên chúng tôi phải tập cách luyện thể lực sao cho dai sức, mạnh tay, mạnh chân, cách đứng thủ thế nào cho vững chắc, cách “lồng tay tư” sao cho có ưu thế và những bộ pháp di chuyển từng bước chân, khi tới, khi lui, khi bước ngang, bước xéo, xoay vòng… phải tập cho thuần thục. Bên cạnh đó, chúng tôi phải tập luyện cách ngã sao cho khỏi đập đầu xuống đất, khỏi bị gẫy tay, tập cách né tránh, thoát hiểm. Trong lúc tập luyện chúng tôi luôn cởi trần, chân đất, đầu thì chít (đeo) khăn đầu rìu hay khăn bỏ tua, mặc quần đùi. Khi thi đấu thì đeo khố (miếng vải dài che bộ hạ, được cuốn vào hông - háng).

Hàng năm cứ vào ngày tổ chức Hội vật xuân trong khu vực Hà Nội, là tôi lại “khăn gói quả mướp” tìm về thi đấu giao hữu để nâng cao trình độ, học hỏi từ bạn đấu, quan trọng là có được những giây phút sảng khoái, tinh thần khoáng đạt trong dịp đầu Xuân. Phần thưởng thắng cuộc trong các keo vật chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nhưng là niềm khích lệ chúng tôi bảo tồn vốn cổ mà tiên tổ ở làng quê mình để lại” - anh Sơn nói.

Theo Võ sư Trịnh Hồng Minh, vật là một bộ môn thể thao rất được người Việt Nam ưa chuộng từ ngàn xưa. Trong những ngày đầu tiên của năm mới, ở nơi thôn dã, người dân thường tổ chức hội hè đình đám để tưởng nhớ tiền nhân, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và tạo không khí vui tươi, hứng khởi đón mùa xuân mới cho dân làng. Ở nhiều làng quê, có những cuộc vui như hát quan họ, thi nấu cơm, chọi trâu, đá gà, đánh đu, kéo co, bắn nỏ, đánh gậy… Đặc biệt là đấu vật, ngày Xuân mà không có tiếng trống vật nổi lên thì quả là thiếu cái gì đó như là hào khí của cả một miền đất.

Bộ môn vật, ngoài giá trị giải trí vui chơi, còn là một môn thể thao hữu ích, giúp người dân rèn luyện sức khỏe để thêm cường tráng, thêm nghị lực và lòng dũng cảm, để giữ đất, giữ làng. Đấu vật đã trở thành một tục lệ, một truyền thống tốt đẹp biểu hiện của tinh thần, truyền thống Thượng võ xóm làng cùng nhau đánh giặc giữ nước qua ngàn đời của con dân đất Việt. Ngay từ thời xa xưa, vật đã được coi là một phương pháp dùng để luyện sức, đo tài, chọn người ra giúp dân, giúp nước. Điều đó đã thể hiện ngay trong kỹ thuật, phong cách và lối chơi.

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thi-thung-trong-vat-goi-xuan-i724278/