Ấm áp tình cảm người Hải Dương khi về với Điện Biên

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, cùng với cả nước, nhiều đoàn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Hải Dương về thăm Điện Biên. Hành trình về nguồn chan chứa tình cảm yêu thương, xúc động xen lẫn tự hào.

Đây là lần thứ 3, ông Trương Quốc Vinh (thứ 2 từ phải sang) ở phố Chương Dương (TP Hải Dương) về thăm chiến trường Điện Biên Phủ (ảnh do ông Vinh cung cấp)

Bồi hồi, xúc động

Đó là chia sẻ của ông Trương Quốc Vinh (sinh năm 1933) ở phố Chương Dương (TP Hải Dương) khi trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Đã 3 lần về thăm chiến trường xưa và lần nào ông cũng hồi hộp, xúc động bởi những ký ức oanh liệt của một thời lại dội về. “Nhìn đâu cũng có dấu chân của mình, của đồng đội và những khoảnh khắc mất mát, hy sinh. Đến bây giờ, có những ký ức tôi không thể nào quên”, ông Vinh rưng rưng nói.

Cách đây 72 năm, khi đó chàng trai Trương Quốc Vinh vừa tròn 21 tuổi đã trốn gia đình tham gia quân kháng chiến và được phân về Tiểu đoàn 38, Đại đội 44, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, ông được cử làm chiến sĩ liên lạc thông tin.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh 2 lần chết hụt vì bom đạn của địch. Lần thứ nhất vào ngày 10/4/1954, đồng chí đại đội phó bị bom nổ trúng nên đã mất ngay trên chiến trường, 2 người đi cùng đều bị thương nặng, ông bị sức ép của bom làm 2 tai ù. Lần thứ hai vào ngày 20/4/1954 khi ông cùng lãnh đạo và đồng đội đi thực hiện nhiệm vụ, chỉ mình ông sống sót. “Tôi tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, từ Bắc vào Nam song chưa thấy trận chiến nào gian khổ, ác liệt và nguy hiểm, sự sống mong manh như Chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông Vinh khẳng định.

Dù tuổi cao song ông Trương Quốc Vinh vẫn minh mẫn, tích cực trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh

Về với Điện Biên Phủ năm nay, không chỉ có những người đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường này mà có những người mong muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Ông Nguyễn Văn Duận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Dương cho biết ông cũng đã 3 lần thăm chiến trường Điện Biên Phủ, mỗi lần mang lại cảm xúc khác nhau song đó đều là sự khâm phục ý chí mãnh liệt, chịu đựng gian khổ hy sinh của ông cha ta ngày xưa.

Với những người trẻ khi được tận mắt chứng kiến “chiến trường” ngoài đời thực với đồi A1, đồi Độc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đều không khỏi xúc động.

Những món quà ý nghĩa

Hội Cựu chiến binh TP Hải Dương thăm, tặng quà các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của Hải Dương và Hưng Yên ở lại mảnh đất Điện Biên (ảnh cơ sở cung cấp)

Về với Điện Biên hôm nay, các đơn vị, tổ chức, cá nhân của Hải Dương cũng mang những phần quà tri ân tới nhân dân Điện Biên hay người Hải Dương sau Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chọn mảnh đất này gắn bó, lập nghiệp.

Sau gần 1 năm phát động, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương đã chuyển 425 triệu đồng về Trung ương hội để hỗ trợ làm nhà "đại đoàn kết" cho hộ nghèo và hội viên cựu chiến binh khó khăn về nhà ở tỉnh Điện Biên và một số tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc. Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Phong trào (Hội Cựu chiến binh tỉnh) cho biết đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa của người Hải Dương dành cho cựu chiến binh, người có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Điện Biên và một số tỉnh Tây Bắc.

Vừa qua, khi tổ chức đoàn về thăm Điện Biên phủ, Hội Cựu chiến binh TP Hải Dương đã giao lưu với 15 cựu chiến binh người Hải Dương và Hưng Yên đang sống tại Điện Biên. Hội cũng tặng mỗi cựu chiến binh 1 triệu đồng và 1 phần quà. “Số tiền và quà tuy không lớn nhưng cũng thể hiện tình cảm, tấm lòng và sự ngưỡng mộ của chúng tôi dành cho thế hệ cha anh”, ông Nguyễn Văn Duận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Dương chia sẻ.

Năm nay, Hải Dương có nhiều tổ chức, cá nhân về thăm Điện Biên (ảnh cơ sở cung cấp)

Trong hành trình về nguồn giữa tháng 4 vừa qua, Tỉnh đoàn và Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh cũng trao 20 suất quà tổng trị giá 10 triệu đồng cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trước đó, năm 2023, hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên và một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động được trên 5,6 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu giao trên 607 triệu đồng.

Dù cuộc chiến Điện Biên Phủ đã lùi vào lịch sử, song truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” vẫn còn mãi, thế hệ trẻ luôn ghi nhớ sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh cả trong suy nghĩ và hành động.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/am-ap-tinh-cam-nguoi-hai-duong-khi-ve-voi-dien-bien-380260.html