Thêm yêu quê hương từ những bài học

Long An có truyền thống lịch sử hào hùng 'Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc'. Truyền thống đó được phát huy bởi tình yêu và lòng tự hào của bao thế hệ người Long An. Ngày nay, các học sinh (HS) có điều kiện, cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về quê hương thông qua môn Giáo dục địa phương.

Giáo dục địa phương là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được các tỉnh chủ động lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp, thiết thực với điều kiện thực tế và là cơ sở để HS được trải nghiệm, tìm hiểu những kiến thức mới tại nơi mình sinh ra, lớn lên. Trong đó, nội dung Giáo dục địa phương lớp 6 gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... Giáo dục địa phương lớp 7 thì đưa các em đến với hành trình khám phá những vẻ đẹp thắng cảnh, truyền thống và di sản văn hóa quý báu của quê hương Long An,...

Học sinh tích cực tham gia phát biểu trong tiết Giáo dục địa phương của cô Bùi Thị Ánh Ly, Trường THCS Hòa Thành

Môn Giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa ở lớp 7 năm đầu tiên và lớp 6 là năm thứ 2. Hiện Trường THCS Hòa Thành (huyện Đức Huệ) nỗ lực lựa chọn phương pháp giảng dạy hay để HS hứng thú học tập. Theo đó, giáo viên thiết kế câu hỏi, cho HS thuyết trình, hái hoa dân chủ,... giúp tiết học nhẹ nhàng và thu hút. Cô Bùi Thị Ánh Ly - giáo viên môn Mỹ thuật, chia sẻ: "Ở trường, môn Giáo dục địa phương có 6 giáo viên phụ trách, tôi phụ trách chủ đề về mỹ thuật. Trong quá trình dạy, tôi thường cho HS tìm hiểu trước về nội dung bài học và tìm hiểu kiến thức liên quan qua Internet, sau đó bổ sung những kiến thức cho các em. Ở một số nội dung, tôi cho các em thuyết trình, làm việc nhóm và thực hiện thiết kế hoa văn,... Nhờ vậy, HS hứng thú học tập và hiểu hơn về văn hóa địa phương".

Giáo dục địa phương là môn học gần gũi, đề cao khả năng tự học, tự nghiên cứu những vấn đề liên quan đến văn hóa, lịch sử, địa lý của quê hương. Thông qua môn học này, HS hiểu và biết thêm về các địa danh nổi tiếng, làng nghề, sản phẩm nông sản của quê hương.

Môn Giáo dục địa phương lớp 7 trong chương trình chính khóa được áp dụng lần đầu tiên vào năm học 2022-2023

Em Phùng Gia Hân - HS lớp 6, Trường THCS Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa), tâm sự: “Trước đây, kiến thức về địa phương của em còn hạn chế, chủ yếu tại xã nhà. Nhờ môn Giáo dục địa phương, em biết nhiều điều hay, thú vị của tỉnh, nhất là lịch sử hào hùng của quê hương. Học về lịch sử địa phương để hiểu và thêm yêu quê hương mình. Khi có người hỏi về Long An, em sẽ tự hào kể họ nghe về những chiến tích oanh liệt của cha ông mình trên mảnh đất "trung dũng kiên cường". Hơn hết, hiểu về truyền thống lịch sử địa phương, em càng trân trọng nền hòa bình, độc lập và sẽ cố gắng học tập để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ trước”.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa), học môn Giáo dục địa phương, HS rất thích thú tìm hiểu, nghiên cứu cũng như say mê học tập bởi nội dung giới thiệu về truyền thống quê hương Long An. Trong quá trình học, các em tích cực đặt câu hỏi càng làm cho tiết học thêm sôi nổi, phong phú.

Có thể thấy, môn Giáo dục địa phương là nguồn kiến thức mở, giúp HS phát huy được khả năng tìm tòi và nghiên cứu. Càng ý nghĩa hơn, những tiết học này giúp khơi gợi tình yêu và lòng tự hào về quê hương trong mỗi HS cũng như giúp các em ý thức về trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp./.

Đặng Tuấn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/them-yeu-que-huong-tu-nhung-bai-hoc-a148915.html