Cần 'năng động' trong hoạt động đào tạo đội ngũ nhà giáo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh Đại học Sư phạm Hà Nội cần điều chỉnh góc nhìn, nhận diện vị trí, vai trò, qua đó xác định sứ mệnh, trách nhiệm với ngành.

Hôm nay (15/5), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo một số đơn vị Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Vấn đề trọng tâm được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi trong cuộc làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội liên quan đến vai trò, vị trí và những việc cần làm của trường trong đổi mới, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Ông Nguyễn Kim Sơn đánh giá đặt trong toàn bộ hệ thống, xu thế vận hành của ngành, đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang có nhiều lợi thế, thuận lợi cho sự phát triển; với trị trí là trường sư phạm trọng điểm của cả nước, là đơn vị then chốt, quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo, trong khi đó, chính sách của Đảng, Chính phủ đều đặt giáo dục và đào tạo ở vị trí rất quan trọng.

Từ góc độ lợi thế đến từ công cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra, Bộ trưởng phân tích ngành giáo dục đang đổi mới, chuyển đổi và muốn làm được phải đổi mới, phát triển lực lượng giáo viên. Phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo chính là nền tảng, đột phá, yếu tố quan trọng để đổi mới giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có vai trò hàng đầu trong phát triển đội ngũ này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

“Nhu cầu học tập ngày càng lớn và đa dạng của người học cũng là cơ hội cho nhà trường. Cùng với đó là sự quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống đào tạo giáo viên. Trong bối cảnh tự chủ, trường sư phạm vẫn được Nhà nước hỗ trợ thông qua người học và cơ chế đặt hàng”, Bộ trưởng phát biểu và nhấn mạnh việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần điều chỉnh góc nhìn, nhận diện vị trí, vai trò của nhà trường, qua đó xác định sứ mệnh, trách nhiệm với ngành.

Khẳng định Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm được nhiều việc trong 10 năm qua, song Bộ trường cũng nhìn nhận: Trường đã đóng góp nhiều nhưng cần phải đóng góp nhiều hơn nữa, đã nhập cuộc nhưng phải nhập cuộc nhiều hơn nữa; cần xuất hiện trong dòng đổi mới này rõ nét hơn nữa. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần thực sự bao quát toàn bộ hoạt động khoa học giáo dục, lĩnh vực giáo dục.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Luật Nhà giáo cũng đang được xây dựng theo hướng đội ngũ nhà giáo được hình thành bằng nhiều cách, qua nhiều con đường, từ đó giúp cho việc điều chỉnh đội ngũ có thể nhanh chóng và giúp toàn ngành năng động hơn.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn báo cáo tại cuộc làm việc.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn báo cáo tại cuộc làm việc.

Trong việc đổi mới mô hình đào tạo, Bộ trưởng lưu ý, cần quan tâm đến khoa học cơ bản để làm nền tảng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm một số lĩnh vực đào tạo khác theo hướng đa ngành.

Khi đào tạo như vậy, việc tuyển sinh sẽ rộng mở hơn, có nguồn lực lớn hơn để phát triển nhà trường, việc xây dựng đội ngũ cũng sẽ khác, tư duy trong nghiên cứu, đào tạo của các thầy cô cũng sẽ có điều chỉnh. “Từ khóa với chúng ta là 2 chữ “năng động”, phải năng động hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

Lưu ý một số vấn đề cụ thể, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần rà soát lại chiến lược của nhà trường, kiện toàn đội ngũ; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Bộ GDĐT, quan tâm hướng nghiên cứu có tính đánh giá thực tiễn, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản…

Tại cuộc làm việc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường thời gian qua và khái lược chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2025-2030. Một số khó khăn, thách thức đặt ra và kiến nghị cũng đã được Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn chia sẻ với mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-nang-dong-trong-hoat-dong-dao-tao-doi-ngu-nha-giao-a663728.html