Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của các nhà ngoại giao Afghanistan

Nhằm tìm kiếm sự công từ cộng đồng quốc tế, Taliban hiện chuyển hướng sang một mục tiêu mới: thu hồi toàn bộ 65 cơ quan đại diện Afghanistan tại nước ngoài.

Kể từ cuối tháng 12 vừa qua, Taliban đã tiến hành bổ nhiệm các nhà ngoại giao mới trung thành với phong trào này, để trở thành người đứng đầu các Đại sứ quán Afghanistan tại Iran và Trung Quốc. Điều đáng nói, cả hai nước trên đều chưa có động thái công nhận chính thức đối với chính quyền mới của Taliban, hay những đại diện ngoại giao do phong trào này cử đến.

Các nhà ngoại giao Afghanistan thuộc chính quyền cũ ở nước ngoài vẫn chưa chấp nhận làm việc cho chính quyền Taliban. (Nguồn: Foreign Policy)

Thời gian qua, Taliban đã có những động thái cứng rắn nhằm thay thế các nhà ngoại giao giữ chức từ thời chính quyền cũ thông qua việc đơn phương bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc sử dụng vũ lực để ép buộc các nhà ngoại giao rời bỏ vị trí.

Động thái này có hai ý nghĩa, một là Taliban muốn nắm giữ quyền kiểm soát các cơ quan đại diện của Afghanistan tại nước ngoài. Hai là, đây là bước đầu tiên nhằm tìm kiếm sự công nhận chính trị rộng rãi hơn.

Vừa kêu gọi tự nguyện, vừa ép buộc

Kể từ sau khi kiểm soát thủ đô Kabul và thành lập chính quyền mới vào giữa tháng 8/2021, Taliban đã bắt đầu kêu gọi các đại sứ Afghanistan tại nước ngoài tham gia đối thoại với chính quyền mới, cũng như yêu cầu họ lên kế hoạch để trở về nước.

Mặc dù vậy, nỗ lực kiểm soát các cơ quan đại diện Afghanistan tại nước ngoài của Taliban lại không hề dễ dàng.

Các nhà ngoại giao thuộc biên chế của chính quyền cũ vẫn không hề có ý định chấp nhận chính quyền Taliban, phớt lờ những lời kêu gọi từ phía Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Amir Khan Muttaq.

Do đó, Taliban đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau nhằm gây áp lực với các “nhà ngoại giao lưu vong”, từ đó từng bước “thu phục” các cơ quan đại diện ngoại giao.

Ngày 10/1, cựu Đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc Javid Ahmad Qaem bất ngờ đưa ra thông báo quyết định từ chức của mình trên trang Twitter cá nhân. Trước đó, Taliban đã cử ông Mahyuddin Sadat, một quan chức ngoại giao của chính quyền mới, trở thành Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán.

Tình cảnh tương tự cũng đã xảy ra vài tuần trước đó với Đại sứ quán Afghanistan tại Iran. Taliban tuyên bố cựu Đại sứ Abdolghafor Lival đã bỏ trốn sang một nước châu Âu và đồng thời, tiến cử ông Abdul Qayyum Sulaimani đảm nhiệm chức vụ Đại biện lâm thời, quản lý toàn bộ hoạt động của cơ quan đại diện này.

Chính quyền mới cũng tự động cử người tới kiểm soát một số cơ quan lãnh sự tại các thành phố nằm dọc theo biên giới với các nước như Pakistan, Uzbekistan. Mặc dù không công nhận chính thức các nhân viên ngoại giao do Taliban cử đến, Bộ Ngoại giao Pakistan vẫn khẳng định việc này là cần thiết do “vấn đề liên quan tới thị thực của hàng triệu người tị nạn Afghanistan”.

Ngoài ra, một số cơ quan đại diện ngoại giao của Afghanistan tại các nước châu Âu đã bị tấn công bởi một số thành phần được cho là có quan hệ với Taliban.

Đại sứ quán Afghanistan tại Italy. (Nguồn: Getty)

Trong một thông cáo chính thức đưa ra vào ngày 5/1, Đại sứ quán Afghanistan tại Italy cho biết các nhân viên làm việc tại đây đã phải nhờ tới sự can thiệp của cảnh sát nước sở tại sau khi bị tấn công bởi một nhà ngoại giao từng làm việc tại đây.

Đối tượng tấn công về sau được xác định là cựu Bí thư thứ nhất Mohammad Fahim Kashaf, người trước đó đã bị sa thải bởi chính quyền cũ vì lý do “thiếu trung thành với các giá trị của đất nước”. Ông này khẳng định chính Taliban đã bổ nhiệm mình trở thành Đại sứ mới, và ép buộc Đại sứ đương nhiệm Khaled Zekriya phải nhường chức.

Trước đó, vào tháng 8/2021, chỉ vài ngày sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, một băng nhóm vũ trang cũng đã đột nhập và phá hoại tài sản trong Đại sứ quán Afghanistan tại Bỉ.

Thế ‘tiến thoái lưỡng nan’

Nhân viên tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Afghanistan hiện đang phải đối mặt với tình thế vô cùng cấp bách. Một mặt, chính phủ do họ đại diện đã sụp đổ hoàn toàn và người thân tại quê nhà cũng đang trở thành đối tượng theo dõi gắt gao của Taliban.

Mặt khác, họ không còn đủ kinh phí để tiếp tục vận hành cơ quan đại diện theo đúng chức năng.

Hầu hết các cơ quan đại diện Afghanistan tại nước ngoài đều không nhận được kinh phí hỗ trợ từ trong nước trong nhiều tháng trở lại đây do Taliban đã tiến hành thu giữ và kiểm soát toàn bộ nguồn ngân sách công sau khi tiếm quyền. Hơn nữa, các lệnh giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài hiện cũng đã bị vô hiệu hóa ngay sau khi nhiều chính phủ phương Tây tiến hành áp đặt lệnh phong tỏa tài sản của Afghanistan.

Trong thông báo từ chức của mình, cựu Đại sứ Qaem cho biết rằng ông và nhân viên của Đại sứ quán đã không được trả lương trong suốt hơn sáu tháng.

Mặc dù vậy, trước khi rời đi, ông Qaem vẫn để dành cho người kế nhiệm số tiền gần 100.000 USD trong ngân quỹ của Đại sứ quán. Ngoài ra, chìa khóa cho năm chiếc xe công vụ cũng được giữ trong văn phòng và chìa khóa mở cửa cũng được gửi lại cho Đại sứ quán Qatar tại Bắc Kinh.

Một số cơ quan đại diện ngoại giao Afghanistan tại châu Âu đã tiến hành nhiều phương án “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm các nhân sự là người địa phương, thanh lý tài sản, ngắt điện ban ngày...Với số tiền lương ít ỏi có được từ nguồn ngân sách đang dần cạn kiệt, bản thân chính các viên chức cũng phải tính tới những kế hoạch cắt giảm chi tiêu lâu dài như chuyển địa điểm thuê nhà, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng,...

Cựu Ngoại trưởng Afghanistan Mohammad Hanif Atmar. (Nguồn: AP)

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Mohammad Hanif Atmar, người hiện đang sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ từ sau khi Taliban lên nắm quyền, đã đề xuất ý tưởng phân bổ lại ngân quỹ từ những cơ quan đại diện có điều kiện kinh tế tốt hơn sang các bên đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lo ngại rằng phương án đó chưa thể đủ để trang trải đầy đủ cho quá trình vận hành của toàn bộ 65 trụ sở ngoại giao.

Không chỉ đối mặt với tình trạng cạn kiệt ngân sách, nguy cơ bị tấn công bởi các phần tử cực đoan có liên quan tới chính quyền mới cũng buộc các nhà ngoại giao phải sử dụng một số biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt như cắt giảm giờ làm việc, thực hiện dịch vụ lãnh sự bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện, yêu cầu nhân viên tránh xa các khu vực đông người,...

Một nhà ngoại giao Afghanistan giấu tên trải lòng khi nói về hoàn cảnh éo le của các cơ quan đại diện: “Hiện nay, (tình cảnh của chúng tôi) như một chiếc xe cứu hỏa mà không đem theo nước vậy. Nó như thể bạn vừa ra nhảy từ một cuộc khủng hoảng để rồi lại bước vào cuộc khủng hoảng mới, trong tay không hề có dụng cụ và thậm chí không có cả nước, nhưng vẫn phải cố gắng dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy ở khắp nơi”.

Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhiều nhà ngoại giao thuộc chính quyền cũ đều bày tỏ ý định cương quyết không quay trở về Afghanistan và làm việc trong bộ máy đối ngoại mới của chính quyền Taliban.

Để tiếp tục thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện, một vài người trong số đó đã cố gắng xin chính quyền sở tại cấp thị thực vĩnh viễn hoặc quy chế tị nạn.

Theo tài liệu được công bố trên website chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ, Đại sứ Afghanistan tại Mỹ Adela Raz đã thuê công ty luật Akin Gump theo hình thức không mất phí (pro bono) để vận động chính quyền Washington xem xét, cung cấp thẻ xanh và quy chế định cư vĩnh viễn cho các nhân viên trong Đại sứ quán cùng gia đình của họ.

Nhằm duy trì nguồn ngân sách ít ỏi, một số Đại sứ quán cũng phải điều chỉnh mức lệ phí đối với các dịch vụ lãnh sự như cấp mới, chứng thực hay gia hạn thị thực cho kiều bào Afghanistan, cũng như cấp thị thực ngắn hạn cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo và nhà báo nước ngoài.

(theo Foreign Policy)

Hà Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-tien-thoai-luong-nan-cua-cac-nha-ngoai-giao-afghanistan-171605.html