Thế hệ trẻ với nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc

Thanh niên là thế hệ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược cũng như trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thanh niên luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt có mặt trên mọi tuyến đầu.

Với sức trẻ và lòng nhiệt thành cách mạng, họ xứng đáng được tin tưởng trao gửi để xây dựng tương lai và tiền đồ đất nước. Thế nhưng hiện nay, thanh niên Việt Nam cũng đang chịu tác động từ nhiều phía, họ là một trong những lực lượng chịu sức tấn công, tác động rất lớn từ các thế lực thù địch, phản động. Chính vì vậy, việc chỉ rõ những thách thức mà thanh niên phải đối mặt cũng như tìm giải pháp để bảo vệ thế hệ trẻ - tương lai của đất nước đang là vấn đề cấp thiết.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình phối hợp với dân quân địa phương tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Châu Thành

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã dành trọn cuộc đời của tuổi trẻ trên trận tuyến chống quân thù. Những con người tuổi 18, đôi mươi đã gác lại bao ước mơ và dự định của bản thân để lên đường chiến đấu. Trong số họ, đã có nhiều người hi sinh, để lại cho chúng ta sự cảm phục và suy ngẫm về tấm lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng.

Đó là chị Võ Thị Sáu, hiên ngang trên pháp trường, trước lúc hi sinh vẫn khiến quân thù run sợ. Đó là người đoàn viên Lý Tự Trọng, bị địch kết án tử hình khi mới 17 tuổi đã đanh thép tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”. Đó là bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tình nguyện xung phong vào chiến trường, một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ thương binh. Đó là hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi bất khuất trên pháp trường, giật băng đen bịt mắt, nhìn thẳng vào họng súng, hô to: “Đả đảo bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm”. Kể sao hết lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam, họ đã sống, chiến đấu, hi sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, thanh niên Việt Nam tiếp tục xung kích, cống hiến trên mọi mặt trận, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Thế nhưng hiện nay, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, trước những chiêu trò, kích động, chống phá của các thế lực thù địch, đã có không ít một bộ phận thanh niên, giới trẻ đang xa dần những lý tưởng, lẽ sống cao đẹp. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sức mạnh của thanh niên nếu không được định hướng đúng sẽ tạo ra những hệ lụy hết sức nguy hiểm.

Vì sao các thế lực thù địch chống phá Việt Nam lại chọn thanh niên là một trong những mũi nhọn tập trung công kích, tuyên truyền? Chính là xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của tuổi trẻ, luôn năng động, thích khám phá, mong muốn được thể hiện và khẳng định bản thân, nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm sống, thiếu sự trải nghiệm, dễ chấp nhận và tiếp thu cái mới. Với đặc điểm này, các thế lực thù địch muốn gieo rắc vào thanh niên những tư tưởng hoài nghi vào sự nghiệp, tương lai, tiền đồ của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phân tích: “Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta. Cách làm của các thế lực thù địch, những kẻ giấu mặt là thông qua con đường Internet, thông qua mạng thông tin toàn cầu để thực thi những âm mưu, thủ đoạn hết sức xảo quyệt và thâm độc, bằng cách tiêm nhiễm những tư tưởng trái chiều, cực đoan, trộn lẫn giữa thật và giả để lừa phỉnh những người trẻ tuổi, khi mà những người trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu bản lĩnh, dễ bị dao động và có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, không đúng với chuẩn mực của đất nước, của dân tộc. Đây là một thủ đoạn rất nguy hiểm của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, cho nên chúng ta phải hết sức cảnh giác”.

Với sự phát triển bùng nổ của Internet và sự xuất hiện tràn lan của mạng xã hội như hiện nay, thanh niên dễ dàng tiếp cận được với tri thức, mở rộng khả năng khám phá và tầm hiểu biết của mình. Nhưng cũng chính với mạng xã hội, các thế lực thù địch chống phá cũng lợi dụng để tuyên truyền, gieo rắc vào thanh niên những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, sai trái.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam giúp ngư dân trục vớt ca nô bị chìm. Ảnh: Hồng Anh

Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, nguyên Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho biết: “Mới đây, Tổ chức VOICE, một tổ chức ngoại vi của nhóm phản động Việt Tân đã công bố cái gọi là Học bổng xã hội dân sự VOICE, các đối tượng trong tổ chức này đã mời gọi thanh niên tham gia. Nhưng thực chất, đây là hình thức để chúng tập trung lực lượng những người trẻ tuổi để huấn luyện, đào tạo, trang bị các kiến thức chống đối Nhà nước Việt Nam: “VOICE và RISE thường xuyên tán phát các thông tin, các khóa đào tạo huấn luyện trên không gian mạng, tiếp cận lớp trẻ, thanh niên, sinh viên nhằm tác động, hướng lái số học viên có cách nhìn tiêu cực. Mục đích của chúng là tập trung để móc nối, lôi kéo số thanh niên, sinh viên, nhằm từng bước chuyển hóa hệ tư tưởng, chính trị, để phục vụ cho ý đồ chính trị của chúng”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong tình hình hiện nay, để tập hợp được thanh niên theo lý tưởng của Đảng, tránh xa được những luồng tư tưởng sai trái, độc hại, giúp cho thanh niên nhận diện được và biết cách ứng xử đúng đắn với các quan điểm, tư tưởng sai trái, cần phải đổi mới các hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động thanh niên. Ông Phượng nhấn mạnh: “Với lực lượng thanh niên thì việc đầu tiên là chúng ta cần trang bị cho họ kiến thức về nền tảng tư tưởng của Đảng. Khi thanh niên hiểu rõ nền tảng tư tưởng của Đảng thì họ sẽ có những hành động đúng đắn. Việc tuyên truyền, phổ biến thì cần phải được đưa vào trường lớp, thông qua những buổi nói chuyện ngoại khóa, hoặc là các diễn đàn, mạng xã hội để tuyên truyền nhiều hơn nữa nền tảng tư tưởng của Đảng cho thanh niên”.

Từ bài học của lịch sử, chúng ta thấy, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn đang hàng ngày, hàng giờ tác động lên giới trẻ. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược trên mặt trận tư tưởng, nó không ồn ào, không có tiếng bom đạn, cũng không có chiến tuyến giữa hai bên. Cuộc tấn công này diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ, dai dẳng, nhưng vô cùng khốc liệt. Vì thế, đối với thanh niên quân đội, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục bộ đội, giúp cho cán bộ, chiến sĩ nhận diện được âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực; giáo dục cho mỗi quân nhân nhận thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc.

Trước những luồng thông tin đa chiều trong xã hội, phải coi trọng và tăng cường định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, để cho bộ đội yên tâm, tin tưởng vào sự lớn mạnh, trưởng thành của quân đội, cống hiến sức trẻ và lòng nhiệt huyết cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/the-he-tre-voi-nghia-vu-va-trach-nhiem-bao-ve-to-quoc-post459938.html