Thay đổi chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi về chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng'.

Khai mạc sự kiện, ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới cho đến những bất ổn nội tại của kinh tế trong nước.

Ông Phạm Văn Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Chính phủ hướng tới việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, cải thiện nguồn thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội.

Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế đã có tham luận về tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay và đều đồng thuận cần thiết cải cách chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt là cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá.

Làm rõ luận điểm nêu trên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính đề xuất nhiều nhóm giải pháp cần triển khai để cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể như về thuế giá trị gia tăng cần tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá; tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường... Với những giải pháp chính sách thuế này sẽ mang lại lợi ích đa chiều tăng thu ngân sách, hạn chế tiêu dùng sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Liên quan đến thuế thuốc lá, tại hội thảo, Ths Đào Thế Sơn - Trường Đại học Thương mại chia sẻ, thuế là biện pháp kiểm soát tiêu dùng hiệu quả nhất. Trong khi đó, mức thuế của nước ta đối với thuốc lá còn thấp. Việt Nam cần tăng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng biện pháp áp thuế hỗn hợp.

Cụ thể là tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt/giá bán lẻ: 70%. Giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75%/giá xuất xưởng và bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 20.000 đồng/bao.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thay-doi-chinh-sach-thue-de-cai-thien-chat-luong-tang-truong-141185.html