THẢO LUẬN TỔ 14: QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM KHI THAM GIA GIAO THÔNG

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại Tổ 14, các đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn, chấn thương khi tham gia giao thông.

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 14 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành luật sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, giao thông đường bộ có nội hàm liên quan đến tất cả người dân. Toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội, các hoạt động văn hóa, học tập, giáo dục, thể thao, lao động ở góc độ nào đó đều có ít nhiều liên quan đến giao thông và đặc biệt là giao thông đường bộ. Bên cạnh đó trong bối cảnh hội nhập nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch thì có rất nhiều, hàng chục triệu du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, nước ta cũng đang từng bước áp dụng thí điểm về việc cho phép những cái phương tiện xe cơ giới nước ngoài được đi qua cửa khẩu và đi vào trong nội địa… Do vậy, yêu cầu của dự thảo Luật là phải khái quát, dễ hiểu để người dân nắm bắt, và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, dự thảo Luật nên tập trung quy định về những quy tắc mà người dân cần phải tuân thủ nhằm phát huy hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Hải Anh cho biết, Chương II quy định về quy tắc giao thông đường bộ, đây là chương quan trọng, cần được làm sâu sắc hơn nữa để thống nhất các quy chuẩn, quy tác thì lại tập trung hơn vào khía cạnh bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ như tại Điều 9 quy định về việc thắt dây an toàn thì đây chỉ là một biện pháp để bảo đảm an toàn chứ không phải là quy tắc giao thông.

Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, tai nạn là một phần gây nên tình trạng tử vong ở lứa tuổi trẻ em nên đối với giao thông đường bộ thì việc bảo đảm an toàn cho trẻ em tham gia giao thông thì rất là quan trọng. Đại biểu đánh giá cao khi dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách so với luật hiện hành, như quy định trẻ dưới 7 tuổi khi qua đường phải có người dẫn; gắn biển an toàn, gờ giảm giảm tốc độ ở khu vực có trường học, các cơ sở giáo dục phổ thông…

Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số quy định của dự thảo Luật về bảo đảm an toàn cho trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều nội dung. Theo đại biểu, trẻ em điều khiển xe đạp hoặc ngồi trên xe đạp là tình trạng còn khá là phổ biến ở các khu vực nông thôn, khu vực miền núi. Ở các đô thị, trẻ em sử dụng xe đạp về đến trường cũng khá nhiều. Song dự thảo luật thì chưa quy định trẻ em khi dùng phương tiện xe đạp tham gia giao thông cũng cần phải đội mũ bảo hiểm. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị, cần quy định nội dung này ngay trong dự thảo luật. Nếu trẻ em dưới 6 tuổi ngồi đằng sau tức là có người chở thì vừa phải ngồi xe đạp, vừa phải đội mũ bảo hiểm và phải có thiết bị an toàn.

Các đại biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, đối với với phương tiện xe máy, hiện nay dự thảo Luật cũng đã quy định một số cái nội dung bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia phương tiện xe máy. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị là cần phải bổ sung quy định về việc đối với trẻ em ngồi đằng sau xe máy thì phải có đai an toàn. Cụ thể là với trẻ em dưới 4 - 6tuổi thì phải có ghế an toàn; đối với trẻ em 6 đến 10 tuổi thì phải có dây đai an toàn để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hà Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay có nhiều trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng có sử dụng nhiều loại phương tiện tham gia giao thông mà hiện nay luật pháp chưa quy định. Cho rằng đây là nguyên nhân tiềm ẩn gây nguy cơ mất an toàn cho giao thông đường bộ, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị, cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể nhằm hạn chế tình trạng này.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự thảo Luật là phải khái quát, dễ hiểu để người dân nắm bắt, và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia phát biểu

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tham gia thảo luận

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận./.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82048