Thạnh Trị trên đường hướng tới huyện nông thôn mới từ 'đòn bẩy' hợp tác xã

Mục tiêu của huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) là từ nay đến năm 2025 có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để hướng tới hoàn thành mục tiêu này thì hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã được xem là 'đòn bẩy' rất quan trọng.

Là một thành viên của HTX nông nghiệp Vinh Lợi ở xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị), anh Nguyễn Văn Thống cho biết, từ khi tham gia HTX đã giúp anh thấy rõ việc sản xuất canh tác lúa có chuyển biến tích cực, đời sống nông dân thoải mái hơn là vì có đầu vô, đầu ra hẳn hoi, với lại có những dự án hỗ trợ, rồi có liên kết đầu ra, nên bà con an tâm sản xuất.

Hiệu quả liên kết của một HTX trồng lúa ST25

Theo anh Thống, HTX thường xuyên liên kết với các đơn vị tổ chức tập huấn chương trình sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa sạch. Không những vậy, HTX còn liên kết với thương lái, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con. Như vậy rõ ràng là tốt hơn so với sản xuất canh tác lúa ở bên ngoài vốn còn khá bấp bênh.

Thông qua liên kết với doanh nghiệp, HTX nông nghiệp Vinh Lợi đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên khi canh tác lúa ST25.

HTX nông nghiệp Vinh Lợi được thành lập cách đây 2 năm với 22 thành viên, tổng diện tích sản xuất là 50ha, chủ yếu là sản xuất lúa thơm đặc sản ST25. HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ, để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn cung ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp. Tiếp đến, HTX làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, thương lái bao tiêu đầu ra ổn định cho thành viên.

Diện tích sản xuất của HTX này đã được địa phương và ngành nông nghiệp huyện quan tâm đầu tư hạ tầng như: Trạm bơm điện, hệ thống thủy lợi khép kín... để phục vụ sản xuất. Thời gian tới, HTX sẽ xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu địa phương, xúc tiến làm gạo ST25 hướng hữu cơ, đang đăng ký sản phẩm đạt OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo, tăng thu nhập cho các thành viên HTX, nâng cao vị thế của người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinh Lợi, cho biết định hướng của HTX là sản xuất lúa an toàn và lúa hữu cơ. Hiện tại, HTX đang liên kết với doanh nghiệp thu mua 100% sản lượng và cao hơn giá thị trường. Nếu được chứng nhận sản xuất hữu cơ, giá mua lúa sẽ cao hơn.

Theo ông Út, thông qua mối liên kết hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp nên đầu ra sản phẩm được ổn định. Hầu hết thành viên trong HTX đều tham gia vào cánh đồng lớn và được liên kết bao tiêu, vì thế đời sống bà con ngày càng ổn định.

Bên cạnh đó, HTX này còn tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ các thành viên kinh phí, kỹ thuật canh tác không sử dụng thuốc hóa học, chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ trong các khâu chăm sóc, để tạo ra sản phẩm sạch, thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, nâng cao giá trị hạt gạo, nâng cao giá thành, tăng thu nhập cho thành viên.

Đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân

Từ sự phát triển hiệu quả của một HTX như vậy đang góp phần giúp cho xã Vĩnh Lợi hướng tới hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Sau 7 năm được công nhận xã nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Lợi luôn xác định việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

Tính đến nay trên địa bàn huyện Thạnh Trị có 18 HTX, trong đó có 11 HTX sản xuất lúa, cùng với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã mang lại những lợi ích thiết thực cho nông dân trồng lúa.

Toàn xã Vĩnh Lợi hiện có trên 90% hộ dân sản xuất nông nghiệp tham gia vào tổ hợp tác và HTX. Nhờ tham gia sản xuất tập thể, nhân dân đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đóng góp công sức, tiền của chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cùng với HTX ở xã Vĩnh Lợi, tính đến nay trên địa bàn huyện Thạnh Trị có 18 HTX, trong đó có 11 HTX sản xuất lúa. Để hỗ trợ các HTX sản xuất lúa phát triển bền vững, thời gian qua Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 3 nhà kho tại 3 xã: Thạnh Trị, Lâm Kiết, Lâm Tân, kể cả hỗ trợ làm đường giao thông dẫn vào cánh đồng các HTX và nhà kho HTX, qua đó đã đem lại các lợi ích thiết thực cho HTX và bà con trong vùng dự án.

Ngoài ra, trong huyện có 339 tổ kinh tế hợp tác và 16 kinh tế trang trại hoạt động tương đối ổn định. Các tổ hợp tác đều hoạt động theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người lao động.

Trong số các mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện, có thể kể đến Quỹ Tín dụng nhân dân Phú Lộc. Thời gian qua, đơn vị này là nơi để các tổ chức, hộ cá thể ở các xã của huyện vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hằng năm, Quỹ Tín dụng nhân dân Phú Lộc luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ cho vay, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, nhờ đó mà nhiều hộ khó khăn có điều kiện sản xuất và vươn lên thoát nghèo.

Hoặc như HTX Nông nghiệp Kiết Lập B ở ấp Kiết Lập B (xã Lâm Tân) cũng là một điển hình, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới ở huyện Thạnh Trị.

Đến nay, HTX có gần 100 thành viên, chăn nuôi hơn 700 con bò thịt. Nhờ bảo đảm tốt quy trình sản xuất chăn nuôi, đảm bảo đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, hầu hết các thành viên rất yên tâm và phấn khởi. Bình quân mỗi năm, mỗi thành viên trong HTX xuất bán từ 3 đến 5 con bò thịt hoặc bò giống, nhờ đó mà nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên khá, giàu có điều kiện xây cất nhà mới, khang trang.

Góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới

Ngoài ra, HTX còn được Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện xây dựng nhà kho tiếp đến là dự án đã hỗ trợ cho HTX nhà kho chứa lúa. Đây được xem là niềm vui lớn của hầu hết thành viên, bởi có nhà kho sẽ giúp thành viên tạm trữ được lúa sau thu hoạch, có nơi hội họp hay mở dịch vụ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật…, qua đó góp phần tạo nguồn quỹ cho HTX hoạt động tốt hơn.

Tính đến tháng 9/2023, huyện Thạnh Trị đã có tổng số 7/8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Ông Sơn Thanh Phong, Giám đốc HTX nông nghiệp Kiết Lập B, phấn khởi cho biết HTX phát triển được như ngày hôm nay phần lớn nhờ vào Dự án VnSAT giúp sức. Trong những năm đầu, dự án tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên HTX cách canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất lúa theo hướng an toàn, khi áp dụng các kỹ thuật sản xuất lúa như trên đã giảm chi phí đầu tư mùa vụ, tăng lợi nhuận sau thu hoạch”.

Dự định tới, HTX này sẽ sản xuất lúa giống để bán cho các thành viên, vì trong nhà kho có lò sấy, thuận lợi trong việc dự trữ lúa, làm giống lúa. Ngoài ra, HTX còn tận dụng nhà kho dự trữ rơm rạ để cung ứng cho người dân làm thức ăn cho gia súc hay trồng nấm…

Trong giai đoạn 2021 - 2022, Dự án VnSAT đã xây dựng 2 tuyến đường giao thông nông thôn trong khu vực cánh đồng lớn, dẫn đến nhà kho của HTX Nông nghiệp Kiết Lập B bà HTX Nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị), với tổng chiều dài tuyến 4.348m, trên 2 tuyến đường có 2 cây cầu, tổng chiều dài 57m.

Thông qua sự hỗ trợ của Dự án VnSAT về nhà kho và các tuyến đường giao thông nông thôn hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dự trữ lúa, còn đường giao thông sẽ giúp việc vận chuyển lúa sau thu hoạch dễ dàng, việc bán buôn lúa và các loại nông sản tốt hơn khi có các xe trọng tải lớn đến tận ruộng thu mua, góp phần tăng thu nhập cho thành viên HTX và người dân vùng dự án…

Từ hoạt động hiệu quả, được xem như “đòn bẩy” của các HTX như vậy, cùng với hỗ trợ thiết thực của Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới ở các xã của huyện Thạnh Trị trong thời gian qua. Nhờ đó, tính đến tháng 9/2023, huyện Thạnh Trị đã có tổng số 7/8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Và mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2025 là có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thanh-tri-tren-duong-huong-toi-huyen-nong-thon-moi-tu-don-bay-hop-tac-xa-1095177.html