Thanh tra Chính phủ làm việc với người tố cáo về dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước

Chiều 17.2, tại TPHCM, Thanh tra Chính phủ đã gặp và làm việc với ông Đoàn Văn Đức (Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Đức Hạnh) để làm rõ về những nội dung tố cáo của ông liên quan đến dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TPHCM) "gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại nghiêm trọng ngân sách nhà nước".

Bãi rác Đa Phước. Ảnh từ internet

Trước đó, vào ngày 15.2, Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực 3 (Cục 3 - Thanh tra Chính phủ) cũng đã công bố quyết định thanh tra dự án bãi rác Đa Phước theo một số nội dung trong đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức. Cụ thể, vào tháng 9.2016, ông Đức đã gửi đơn tố cáo đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các vấn đề liên quan dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) do Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư với nhiều nội dung.

Thứ nhất, xem xét lại đơn giá xử lý rác từ khi triển khai dự án. Cần đánh giá, phân tích một cách khoa học, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi vận hành khai thác dự án. Theo dõi giám sát quá trình thực hiện nghiệm thu đầu vào trong việc thanh toán từng đợt cho chủ đầu tư dự án đúng theo hợp đồng và điều kiện ký kết hay không?

Thứ hai, cần xác định giá trị đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài và Nghị định 52/1999 về quản lý đầu tư xây dựng công trình, điều này Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM là đơn vị ký kết hợp đồng còn thiếu sót nghiêm trọng. Lập tổ công tác với nhiều bộ, ngành thanh tra tổng thể bãi rác Đa Phước. Đồng thời, xác định trách nhiệm và quyền hạn của UBND TPHCM về những cam kết của thành phố trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Thứ ba, vì sao UBND TPHCM đóng cửa Phước Hiệp (Củ Chi), tạo thế độc quyền tiếp nhận rác cho Đa Phước. Việc làm này gây thiệt hại tiền ngân sách hàng nghìn tỉ đồng, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ tư, nguyên nhân nào UBND TPHCM ứng trước cho chủ đầu tư bằng tiền ngân sách 9 triệu USD.

Thứ năm, khu xử lý rác Đa Phước sau khi nhận thêm 2.000 tấn rác của Phước Hiệp đã quá tải, mùi hôi thối phát tán hàng chục kilomet, khu dân cư Phú Mỹ Hưng không chịu nổi....

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ kịp thời ngăn chặn, sớm đóng cửa khu xử lý rác Đa Phước để tránh nhiều hậu quả về môi trường, ảnh hưởng đến dân cư trước mắt và lâu dài.

Thứ bảy, đề nghị Chính phủ cho cơ quan giám định độc lập, giám định sự thiệt hại của nhân dân, doanh nghiệp do ô nhiễm xuất phát từ khu xử lý rác Đa Phước để buộc chủ đầu tư phải đền bù thiệt hại cho người dân.

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (còn gọi là bãi rác Đa Phước) chính thức đi vào hoạt động vào năm 2007. Suốt gần 10 năm hoạt động, VWS vướng phải các nghi vấn liên quan đến giá thành xử lý rác, công nghệ và các vi phạm trong việc thực hiện thủ tục đầu tư. Để thực hiện dự án bãi rác Đa Phước, từ năm 2005, VWS được UBND TPHCM ứng trước 9 triệu USD.

Tháng 2.2014, UBND TPHCM quyết định đóng của bãi rác Phước Hiệp, dồn rác về Đa Phước khiến nơi đây trở thành bãi chôn lấp rác duy nhất của toàn thành phố.

Đầu năm 2016, Thanh tra TPHCM cũng kết luận, mỗi năm TP mất thêm 48 tỉ đồng cho xử lý chôn lấp rác giá cao khi chuyển 2.000 tấn rác/ngày ở bãi rác Phước Hiệp về Đa Phước. Ngày 11.8, UBND TPHCM có văn bản giao Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) và các sở ngành liên quan “xem xét lại giá xử lý chất thải rắn 16,4 USD/tấn đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ (thực tế hiện nay, chỉ chôn lấp)”....

G. Miêu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-lam-viec-voi-nguoi-to-cao-ve-du-an-khu-lien-hop-xu-ly-chat-thai-ran-da-phuoc-639162.bld