Thành phố Thanh Hóa 'nóng' tình trạng đuối nước đầu hè

Mới dịp nắng nóng đầu hè, ngay tại khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước trẻ em, dấy lên hồi chuông báo động về lĩnh vực này.

Liên tiếp xảy ra đuối nước trẻ em

Trong khoảng thời gian ít ngày tháng 3 vừa qua, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Đáng buồn, cả 2 vụ tai nạn đều xảy ra tại các khu vực hồ điều hòa nằm ngay tại trung tâm của thành phố Thanh Hóa, chứ không phải một nơi thôn quê sông nước hoang vắng.

Theo đó, ngày 17/3, tại hồ điều hòa thuộc Công viên Bố Vệ đã xảy ra vụ việc một trẻ 6 tuổi rơi xuống hồ tử vong thương tâm. Đây là hồ rộng 3,3ha, nằm tại khu vực trung tâm Công viên Bố Vệ, với mực nước sâu khoảng 1,2-1,5m. Khi xảy ra tai nạn, hồ rộng, sâu là vậy nhưng không có các biện pháp hữu hiệu, đảm bảo an toàn như hàng rào, lan can bảo vệ... mà chỉ có dải phân cách mềm bằng cỏ.

Trước đó, từ khi đi vào hoạt động, thường có rất nhiều người dân, gồm có trẻ nhỏ ra đây đi dạo, đạp xe, vui chơi vào sáng sớm hoặc chiều tà và đã có nhiều trẻ hiếu kỳ, ra bờ nước chơi đùa bất cẩn rơi xuống hồ.

Theo chị T., một người dân gần hồ cho biết, giữa công viên có hồ điều hòa mực nước sâu nhưng không có rào chắn hoặc lan can ngăn cách rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ nhất là nhứng trẻ hiếu động. Ý thức được nguy hiểm nên chị T. thường chú ý, theo sát con khi trẻ đi chơi gần hồ nước.

Hồ nước sâu không rào chắn tại Công viên Bố Vệ khiến một trẻ 6 tuổi rơi xuống, tử vong.

Chưa dừng lại, chỉ sau sự việc thương tâm kể trên ít lâu, ngày 27/3 tại khu vực hồ điều hòa đang được thi công của dự án Công viên nước Đông Hương, giữa trung tâm Tp.Thanh Hóa lại tiếp tục xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Hậu quả khiến một em học sinh lớp 7 tử vong khi ra hồ chơi đùa với nhóm bạn sau giờ học. Do hồ rất sâu vì nạo vét nên nhiều giờ sau thi thể em học sinh xấu số mới được lực lượng cứu hộ tìm thấy.

Đáng chú ý, mặc dù dự án hồ điều hòa nơi xảy ra vụ tai nạn trên được thi công ngay giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, tuy nhiên dường như lại "tàng hình" với các cơ quan chức năng thành phố Thanh Hóa khi không có bất kỳ rào chắn hoặc các biện pháp cảnh báo đảm bảo an toàn theo quy định. Đồng thời, theo một người dân sinh sống cạnh khu vực hồ thì từ đầu những ngày nắng nóng, nhóm bạn kể trên thường xuyên ra bơi lội tại hồ nhưng không có ai trông coi ngăn chặn, dẫn tới sự việc đau lòng.

Chỉ qua 2 sự vụ kể trên, mở rộng ra lại gợi cho nhiều người về những sự vụ đuối nước thương tâm khác đã từng ám ảnh nhiều gia đình, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm qua. Và cũng có thể là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước có thể "nóng" trở lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?!

Lãnh đạo tỉnh khẩn trương chỉ đạo

Trở lại sự việc đuối nước tại Công viên Bố Vệ, sau vụ tai nạn, trao đổi với báo chí, ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa (đơn vị được giao vận hành, quản lý) cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ cho lắp biển cảnh báo nguy hiểm quanh hồ điều hòa ở công viên Bố Vệ.

Còn theo ông Lê Hoàng Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo thiết kế được phê duyệt thì hồ điều hòa tại Công viên Bố Vệ không có lan can hoặc rào chắn.

Có thể thấy, ngay từ những "viên gạch đầu tiên" thực hiện dự án, vấn đề đảm bảo an toàn, phòng tránh các nguy cơ đuối nước, nhất là đối tượng trẻ em tại các hồ sâu đã bị "lãng quên" đáng tiếc.

Hồ nước đang thi công dang dở không rào chắn, nơi em học sinh lớp 7 đuối nước, tử vong.

Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý tại địa phương, sau 2 vụ đuối nước thương tâm, Chủ tịch Tp.Thanh Hóa "cấp tốc" yêu cầu tăng cường các biện pháp để phòng chống đuối nước trên địa bàn. Theo đó, vị lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang một số công viên, khuôn viên trên địa bàn và lắp đặt lan can xung quanh hồ nước...

Đồng thời, giao Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố phối hợp với UBND các phường, xã và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa tổ chức kiểm tra, rà soát, lập bản đồ, cắm biển cảnh báo, biển cấm tại các địa điểm nước sâu, nguy hiểm, khu vực có nguy cơ gây đuối nước đối với trẻ em.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên các phương tiện truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, khuyến cáo gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về các nguy cơ gây đuối nước.

Sau sự việc xảy ra, cơ quan chức năng mới bắt đầu cắm biển, rào chắn khu vực thi công tại dự án Công viên nước Đông Hương.

Trước nguy cơ thành điểm "nóng" đuối nước trẻ em, với tinh thần chỉ đạo quan tâm sát sao tới vấn đề nhạy cảm này nhiều năm qua, ngay sau được thông tin sự việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hóa và các đơn vị liên quan xác minh, xử lý vụ việc nam sinh lớp 7 tử vong ở hồ nước công trình xây dựng. Đồng thời, các đơn vị nói trên có trách nhiệm xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân quanh khu vực.

Qua trao đổi với Người Đưa Tin về thực trạng đuối nước ở trẻ em, tiến sĩ ngành giáo dục Hồ Quang Hòa, công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục cho biết, để ngăn chặn tình trạng đuối nước trẻ em, ngoài lý do sự phối hợp quản lý giữa gia đình và nhà trường thì vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn cũng phải được thực hiện sát sao, thiết thực, hiệu quả. Từ đó, kịp thời rà soát, ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra, nhất là trước các thời điểm mùa hè nắng nóng.

Việt Phương

Nguyễn Hữu Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-pho-thanh-hoa-nong-tinh-trang-duoi-nuoc-dau-he-a657531.html