Thẳng thắn, trách nhiệm, toàn diện, sát thực tiễn

Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh:

BHG - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 8.12, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiến hành phiên thảo luận tại hội trường đối với 3 báo cáo: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, sử dụng dự phòng ngân sách; kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả hoạt động của các cơ quan Tư pháp năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Không khí thảo luận tại hội trường diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, toàn diện đã thể hiện được tâm huyết, trí tuệ của đại biểu HĐND tỉnh đối với các vấn đề của địa phương và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Đa phần ý kiến đại biểu HĐND tỉnh đồng tình với nhiều nội dung trong các báo cáo trình Kỳ họp. Các đại biểu đã tập trung phân tích, chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đánh giá về một số chỉ tiêu kinh tế giảm so với năm 2022 như: 5/36 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (chiếm 13,9%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp, ước đạt 5,5%, giảm 1,5% so với năm 2022, giảm 2,5% so với kế hoạch năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 20%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm 2,4% so với năm 2022. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn chậm. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc, nhất là cấp cơ sở trong thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án...

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ: Chất lượng giáo dục mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều, toàn diện, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT mới đạt 94,25%; tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, nhất là tuyển dụng giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh, Tin học. Các cấp, ngành cần tăng cường, thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường để phòng ngừa ma túy xâm nhập học đường, bảo vệ thế hệ tương lai.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.

Trên cơ sở báo cáo kết quả công tác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến: Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, thi hành án, xét xử, hội thẩm nhân dân, cải cách tư pháp trong thực hành quyền công tố, thụ lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, công tác phối hợp giữa các cơ quan Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong năm 2024. Ngoài ra, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân, đưa ra các giải pháp cụ thể để đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn...

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Huyền, tổ đại biểu huyện Vị Xuyên đề nghị cần có chính sách thu hút doanh nghiệp vào chế biến nông sản để đảm bảo tiêu thụ bền vững.

Đại biểu Trần Văn Minh, tổ đại biểu huyện Đồng Văn đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu quan tâm. Trong đó, việc tinh giản biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm theo quy định; các sở, ngành, địa phương cần căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao để tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng viên chức. Đối với đề nghị của đại biểu về việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút giáo viên, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu để báo cáo BTV Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương. Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong đó, tiếp tục huy động nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa vùng lõm sóng di động, mạng internet...

Đại biểu Nguyễn Thùy Linh, tổ đại biểu huyện Bắc Quang đề nghị việc triển khai trồng cây giống cần bảo đảm khung thời vụ; tăng cường quản lý việc các trường cho học sinh đi trải nghiệm; quản lý thuốc lá điện tử trong trường học.

Đại biểu Nùng Thị Sứ, tổ đại biểu huyện Yên Minh đề nghị cần có giải pháp bảo đảm hiệu quả các công trình sau đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các cấp, ngành căn cứ tình hình thực tế để đưa ra chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2024. Trên cơ sở đó, quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thế Bình, tổ đại biểu huyện Bắc Mê đề nghị cần duy trì, củng cố, giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn Nông thôn mới; cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tập trung cho phát triển giáo dục, đào tạo.

Đại biểu Mua Hồng Sinh, tổ đại biểu huyện Mèo Vạc đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Đại biểu Triệu Tài Phong, tổ đại biểu huyện Quản Bạ đề nghị cần lồng ghép các chương trình đầu tư để thực hiện tiêu chí thôn có điện.

Đại biểu Chu Thị Ngọc Diệp, tổ đại biểu huyện Quang Bình đề nghị cần sớm cung ứng xi măng để thực hiện các công trình kịp thời; gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục và có giải pháp hiệu quả để kiềm chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Đại biểu Vương Ngọc Hà, tổ đại biểu thành phố Hà Giang đề nghị cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thủy, tổ đại biểu huyện Hoàng Su Phì đề nghị cần có biện pháp cưỡng chế để thực hiện việc chấp hành thi hành án.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Dung, tổ đại biểu huyện Xín Mần đề nghị đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ để đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn cháy nổ, văn minh thương mại và tăng thu ngân sách.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Lâm Anh Tuấn báo cáo giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.

Chiều nay, Kỳ họp tiếp tục thảo luận tại hội trường đối với các dự thảo nghị quyết và bế mạc Kỳ họp. Báo Hà Giang điện tử sẽ cập nhật thông tin tới bạn đọc.

Tin, ảnh: KIM TIẾN – THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202312/phien-thao-luan-tai-hoi-truong-ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-thang-than-trach-nhiem-toan-dien-sat-thuc-tien-2c00a97/