Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024:Siết chặt công tác quản lý

Sau hai tuần ra quân triển khai Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vi phạm.

Công tác quản lý được siết chặt đã góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Hà Đông.

Xử phạt hành chính 270 cơ sở vi phạm

Theo báo cáo nhanh kết quả triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 15-4 đến ngày 26-4, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại 11/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 36,7%) và 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, 9/15 cơ sở đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 60%); 6/15 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 40%). Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 81 cơ sở, xử lý vi phạm hơn 311 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Cùng với tuyến thành phố, các đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng đã kiểm tra, giám sát 4.768 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Kết quả có 4.480 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 94%) và 288 cơ sở vi phạm (chiếm 6%). Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 270 cơ sở với tổng số tiền hơn 918 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Trong quá trình cùng với Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đi thực tế, phóng viên Báo Hànôịmới ghi nhận, bên cạnh những cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định thì vẫn còn tồn tại những nơi chưa đáp ứng điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông), tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đánh giá, bên trong khu vực nhà xưởng đã xuống cấp; hệ thống cống chạy dọc từ khu sản xuất đến các kho chứa hàng đều lộ thiên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thêm vào đó, nhà xưởng của khu vực sản xuất không bảo đảm khép kín. Tại đây phát hiện có phân côn trùng…

Còn tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gà ủ muối Hoàng Thị Thu Hằng (ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội phát hiện nhiều loại phụ gia thiếu nhãn mác chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và khi sang chiết ra lọ nhỏ không có tem nhãn phụ. Trực tiếp kiểm tra cơ sở này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đã yêu cầu, chủ cơ sở phải sắp xếp và thiết lập một quy trình sản xuất gà ủ muối với các khâu cụ thể, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, toàn bộ nguyên liệu đưa vào sản xuất, chế biến cần phải có tem mác đầy đủ, có hóa đơn chứng minh nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Giảm thiểu ngộ độc khi mùa hè đến

Trong hai tuần ra quân triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố. Riêng các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Tại quận Hà Đông hiện có 6.591 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cùng 3 trung tâm thương mại, 14 siêu thị, 16 chợ dân sinh trong quy hoạch. Do số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhiều, trong khi số lượng cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm lại ít, nên tỷ lệ cơ sở được kiểm tra chưa đạt được như mong muốn. Thêm vào đó, việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa được giải quyết triệt để, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và trật tự công cộng.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, do lực lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các cơ sở thực phẩm do xã, thị trấn quản lý chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ nên rất khó để kiểm tra, theo dõi...

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, để tiếp tục triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, công tác kiểm tra, quản lý cần được siết chặt hơn, qua đó xử lý nghiêm các vi phạm và công khai để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.

Riêng với ngành Y tế thành phố, trong thời gian tới sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền… nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thang-hanh-dong-ve-an-toan-thuc-pham-nam-2024-siet-chat-cong-tac-quan-ly-665015.html