Thăm nhà cổ, nghe chuyện đời bi kịch của Bạch Công tử

Chân dung Bạch Công tử lúc còn trẻ

Thật thú vị khi chúng tôi dự Hội thi Hoa phong lan Mê Kông mở rộng lần I năm 2023 chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Mỹ Tho và khuôn viên nhà Bạch Công tử tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cũng trong dịp này, chúng tôi có cơ hội đến thăm Khu di tích Nhà Bạch Công tử, tìm hiểu giai thoại về một lãng tử thời “Mỹ Tho đại phố”.

Toàn cảnh nhà cổ Bạch Công tử

Một góc nội thất trong di tích được bảo quản

Không quá đồ sộ như nhà Hắc Công tử - Trần Trinh Huy ở TP.Bạc Liêu nhưng tầm vóc ngôi nhà cổ Bạch Công tử cũng xem xem với nhà Trăm cột ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ngôi nhà được ông Lê Công Phước, biệt danh Bạch Công tử, xây dựng khoảng năm 1925, theo dạng biệt thự mang phong cách kiến trúc Roman châu Âu. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của những gia đình giàu có ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XX. Lê Công Phước là con trai độc nhất của đốc phủ Lê Công Sủng - đại điền chủ tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) có ngàn mẫu ruộng trong tay trao cho quyền thừa kế.

Thời trẻ, Lê Công Phước đã được cha đưa sang Pháp du học (lấy tên George Phước). Vốn có máu mê nghệ thuật cải lương Nam bộ, Phước chọn học ngành Sân khấu trên đất Pháp. Tốt nghiệp, về nước, Phước gặp nhà nghệ sĩ Nguyễn Phước Cương (chồng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bảy Nam và cha của NSND Kim Cương) bàn chuyện lập gánh hát cải lương. Gánh Phước Cương (tên của 2 thành viên ghép lại) ra đời từ đó. Có thực lực về tài chính, gánh Phước Cương nhanh chóng thu hút những NS cải lương gạo cội lúc bấy giờ như Phùng Há, Bảy Nam, Năm Phỉ, Ba Vân, Tám Du, Năm Thiện, Hai Nữ, Ba Đồng, Tư Bé, Tư Hélènne,... Uy thế gánh Phước Cương ngày một lớn, thu hút đông đảo khán giả ái mộ.

Trong dàn diễn viên có cô đào Phùng Há tài sắc vượt trội, kết duyên cùng đồng chủ gánh Phước Cương. Chồng hào hoa, phong nhã, vợ “nữ hoàng sân khấu”, gánh Phước Cương lưu diễn khắp Nam kỳ Lục tỉnh và cả vùng Sài Gòn, Gia Định lúc bấy giờ. Bầu Phước xây thêm rạp hát gần nhà và lập gánh Huỳnh Kỳ (tách khỏi gánh Phước Cương), lấy cờ vàng làm biểu tượng. Gánh Huỳnh Kỳ vừa biểu diễn, vừa hoạt động từ thiện, cứu giúp dân nghèo, uy tín lẫy lừng vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX.

Thời ấy, giao thông đường bộ rất khó khăn nên việc di chuyển chủ yếu bằng đường thủy. Bầu Phước bỏ tiền của thuê đóng ghe to, kiểu du thuyền; chiếc dành riêng cho vợ chồng chủ gánh, luôn cắm cờ vàng trước mũi thuyền. Hai chiếc còn lại, chiếc chở dàn diễn viên và đạo cụ, nhân viên, đầu bếp,...; chiếc sau cùng chở các thầy đờn và nhạc cụ cùng đội bóng đá do bầu Phước thành lập. Hễ thuyền cập điểm diễn nào, bầu Phước rút súng lục nã chỉ thiên mấy phát báo hiệu cho chính quyền và dân sở tại chuẩn bị đến xem diễn tuồng cải lương; trong khi đội bóng của gánh Huỳnh Kỳ đấu với đội bóng địa phương. Thắng, thua không thành vấn đề, chủ yếu giao lưu phục vụ công chúng. Dù vậy, đội bóng địa phương vẫn được chủ gánh Huỳnh Kỳ tưởng thưởng hậu hĩnh. Từ đó, gánh Huỳnh Kỳ có tiếng vang “nổi như cồn”.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như một trận bão dữ quét qua các lục địa vào năm 1930. Các tầng lớp nhân dân lo ăn, lo mặc còn chật vật, lấy đâu để ra rạp cải lương mua vui. Tuy nhiên, ông chủ gánh Huỳnh Kỳ vẫn cố cầm cự, bán dần các bất động sản, đưa hết các nguồn tài sản của gia đình vào nuôi gánh Huỳnh Kỳ giữ vững phong độ cho tới lúc phá sản không thể cứu vãn được.

Rồi cuộc tình duyên Lê Công Phước - Phùng Há cũng tan vỡ. Số phận vậy rồi! Ngày nào còn biệt danh Bạch Công tử, tới lúc trắng tay, không rõ vì tự ái hay vì lòng tự trọng cao mà ông cựu chủ gánh hát cải lương Huỳnh Kỳ lừng lẫy một thời ấy cương quyết không nhờ vả ai, lại thêm vấn nạn nghiện thuốc phiện, George Phước - Lê Công Phước rời bỏ “Mỹ Tho đại phố”. Từ đó, người ta thấy Bạch Công tử cơ hồ như ma đói, dật dờ, thất cơ thất sở ở vườn Tao Đàn Sài Gòn. Vừa đói thuốc phiện, vừa đói cơm, tới lúc thân tàn ma dại thì số phận lại dẫn dắt con trai của bạn thân với cha Bạch Công tử là ông Nguyễn Hoàng Phi, một nghiệp chủ giàu có ở Chợ Gạo, lên Sài Gòn tìm kiếm, rước Bạch Công tử về Chợ Gạo nuôi một cách tử tế cho đến lúc Bạch Công tử xa rời cõi tạm, về thế giới bên kia./.

Quang Hảo ghi chép

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tham-nha-co-nghe-chuyen-doi-bi-kich-cua-bach-cong-tu-a162537.html