Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách khai khoáng

Ngày 13-3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, trong hơn 50 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng thể chế, chính sách khoáng sản. Cụ thể là năm 1996, Australia đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Dự thảo Luật Khoáng sản và Luật này đã được áp dụng thành công trong suốt hàng chục năm qua tại Việt Nam. Các công ty khai khoáng thường phải giải quyết nhiều vấn đề rủi ro, nhất là rủi ro trong môi trường pháp lý. Do vậy, để thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cần hướng tới môi trường cạnh tranh nhiều hơn, nhất là cạnh tranh liên quan đến khung thuế và phí.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho biết, thời gian tới, Australia sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản cũng như hoàn thiện thể chế chính sách nhất là trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh hội thảo.

Ông Mai Thế Toản, Phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 50 loại khoáng sản, có khoảng 5.000 mỏ quy mô khác nhau đang hoạt động (Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 600 giấy phép, còn lại là địa phương), công nghiệp khai thác mỏ chiếm gần 5% tổng GDP.

Về bố cục, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 12 chương và 117 điều. Trong đó có một số điểm mới, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển...

Tin, ảnh: LA DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tham-khao-kinh-nghiem-quoc-te-ve-xay-dung-chinh-sach-khai-khoang-768449