Đầu tư tài sản số: Năm rủi ro cần lưu ý

Sự phát triển công nghệ cho phép các nhà đầu tư tài chính có được hoặc mất đi số tiền lớn chỉ trong cú chạm lên màn hình điện thoại. Không ít rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt, đặc biệt là ở các kênh đầu tư chưa có hành lang pháp lý.

Vàng thau lẫn lộn

Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường tài chính Việt Nam đang hội tụ rất nhiều kênh đầu tư hiện đại và đầy tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào một cách mạnh mẽ. Các kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu… giờ đây đã được đưa lên nền tảng số. Các ứng dụng này cập nhật thông tin và diễn biến chỉ số thị trường nhanh chóng, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác hơn. Phí giao dịch cũng được giảm đáng kể so với với trước đây.

Bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống, rất nhiều nhà đầu tư tài chính, nhất là các nhà đầu tư trẻ, khi tham gia đầu tư trên các nền tảng công nghệ, đã nhanh chóng bị cuốn vào các hình thức đầu tư tiền số (tiền ảo), tham gia các dự án gọi vốn cộng đồng, sàn giao dịch tiền điện tử đa cấp… Lợi nhuận cực lớn, vừa ảo - vừa thực, nên đa phần các nhà đầu tư tài chính số khó dứt ra khỏi cuộc chơi này.

Theo Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo (theo Crypto Crunch App).

“Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sở hữu tài sản số cao nhất thế giới. Các nhà giao dịch (trader) Việt Nam cũng rất thông minh và thu được lợi nhuận lớn từ tài sản số. Nhưng đó chỉ là những con số. Chúng ta cần có những đề xuất để tài sản số được luật pháp chấp thuận, từ đó mới có các sàn giao dịch tài sản số”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI Digital nhấn mạnh, đồng thời cho hay cộng đồng đầu tư tài sản số đang phải đối mặt với rủi ro pháp lý, cơ chế ngoại hối, lừa đảo..., vì vậy, cần có giải pháp để thị trường phân biệt được “đâu là vàng, đâu là thau”.

Trước khi có Việt Nam có khung pháp lý cho tài sản số nói chung và tiền số nói riêng, các nhà đầu tư Việt Nam cần tự bảo vệ mình trước những rủi ro khi giao dịch trên thị trường đang có nhiều điều mới mẻ này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

5 rủi ro cần lưu ý

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Hoàng Phước Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ UFIN kiêm cố vấn cấp cao cho một số nền tảng giao dịch tài sản số cho rằng: “Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải cố gắng hiểu rõ nhà phát hành, hiểu rõ rủi ro mình đang đầu tư và lợi nhuận tương xứng dự kiến thu về. Trong trường hợp không thể tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư cần tìm đến sự trợ giúp của các nhà cố vấn quản lý danh mục đầu tư”.

Theo chuyên gia, các khoản đầu tư có lợi nhuận cao thường sẽ đi kèm mức độ rủi ro lớn. Do vậy, nhà đầu tư phải luôn nhận diện được các loại rủi ro trong đầu tư để hạn chế thấp nhất tổn thất xảy ra, từ đó duy trì khả năng sinh lời bền vững và hiệu quả.

Ông Hoàng Phước Thành nhấn mạnh tới 5 rủi ro mà nhà đầu tư tài sản số cần lưu ý:

Thứ nhất là rủi ro thị trường. Rủi ro thị trường là nguy cơ tổn thất tài chính mà nhà đầu tư và doanh nghiệp phải đối mặt do sự không dự đoán được và biến động của các yếu tố chung trên thị trường tài chính bao gồm sự biến động của giá cả, thay đổi lãi suất, tình hình kinh tế toàn cầu, bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giá trị của các tài sản đầu tư. Khi thị trường biến động mạnh, giá trị của các tài sản đầu tư có thể suy giảm, gây ra thua lỗ cho những người đầu tư.

Thứ hai là rủi ro thanh khoản. Thanh khoản được hiểu là khả năng chuyển đổi qua lại từ tài sản số sang tiền mặt. Rủi ro thanh khoản xảy ra khi khối lượng giao dịch thấp, nhà đầu tư phải bán lại với giá thấp để thu hút người mua, dẫn đến tổn thất.

Thứ ba là rủi ro lạm phát và lãi suất. Lạm phát gây ra rủi ro tài chính do giá trị tiền mặt giảm, có thể khiến nhà đầu tư đánh giá sai về lợi nhuận thực tế và giá trị tài sản. Điều này có thể dẫn đến quyết định đầu tư không chính xác và mất giá trị tài sản theo thời gian.

Thứ tư là rủi ro pháp lý. Theo ông Thành, việc đưa ra khung pháp lý chặt chẽ và phù hợp với tất cả các loại hình dịch vụ tài chính số trên các nền tảng tài chính trực tuyến là rất khó khăn. Hiện nay, một số công ty công nghệ tài chính được xây dựng theo mô hình kinh doanh phi truyền thống và né tránh tối đa các quy định về hoạt động tài chính - ngân hàng được đưa ra bởi các nhà quản lý. Điều này có thể dẫn đến một số rủi ro cho người sử dụng dịch vụ.

Thứ năm là rủi ro kỹ thuật và bảo mật. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã khiến nguy cơ của các cuộc tấn công mạng ngày một gia tăng. Những cuộc tấn công này gây nguy hại cho việc bảo mật thông tin của khách hàng. Đây cũng là một thách thức lớn đối với những nhà cung cấp dịch vụ tài chính số.

Để giảm thiểu rủi ro, theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ UFIN, nhà đầu tư nên cập nhật thông tin thị trường thường xuyên, tìm hiểu kỹ danh mục đầu tư… Bên cạnh đó, thay vì “bỏ trứng vào một giỏ”, nhà đầu tư nên chia nhỏ tiền đầu tư vào nhiều lớp tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, tiết kiệm hoặc lĩnh vực khác… Mỗi nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro khác nhau có thể xây dựng danh mục đầu tư với các tỷ trọng khác nhau nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Thảo Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dau-tu-tai-san-so-nam-rui-ro-can-luu-y-d110921.html