Thái Bình: Làm rõ đường 33 tỷ đồng đi Cụm công nghiệp Quý Ninh có bị 'rút ruột'?

Thời gian qua, có dư luận dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐH.72A từ cầu Đá đến Cụm công nghiệp Quý Ninh, huyện Quỳnh Phụ bị đặt nghi vấn 'rút ruột' công trình, chất lượng thi công hạn chế nhưng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Phụ đã có thông tin làm rõ vấn đề…

Theo tìm hiểu, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐH.72A từ cầu Đá đến Cụm công nghiệp (CCN) Quý Ninh (đường ĐT.455 cũ) huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình (sau đây viết tắt là Dự án) do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thương mại Đông Phong là bên mời thầu; Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh Tuấn Anh (sau đây viết tắt là Công ty Tuấn Anh, có địa chỉ tại xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ) là đơn vị trúng thầu. Tổng giá trị gói thầu là 33.629.202.000 đồng, trong đó sử dụng một phần kinh phí từ nguồn ngân sách huyện Quỳnh Phụ.

Liên quan đến quá trình triển khai thi công dự án, thời gian gần đây, bạn đọc phản ánh đến Tòa soạn Báo Công Thương về việc dự án có nhiều vấn đề về môi trường, chất lượng thi công không đạt chuẩn.

Để tìm hiểu thông tin, phóng viên đã có mặt tại hiện trường thi công đoạn từ cầu đá thuộc thôn Trung Châu, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ để ghi nhận thực tế.

Quan sát bằng mắt thường, phía 2 thành cầu Đá đã xuất hiện những vết nứt kéo dài từ mặt cầu lên đến mép thành cầu. Tương tự, phía mép dưới thành cầu giáp với bề mặt cũng xuất hiện những vết nứt ngang kéo dài, lộ rõ khi lớp trát bằng xi măng bị bong tróc trông rất phản cảm.

Phía 2 bên đầu cầu đá, đơn vị thi công đã sử dụng lớp đá bây rải đường không đồng đều, khi phần sát mép đường là những viên đá hộc với rất nhiều kích cỡ khác nhau.

Qua quan sát có thể thấy lớp nhựa đường được tưới rất ít, thậm chí nhiều chỗ chỉ tính bằng "giọt”. Chính vì vậy dư luận cho rằng chất lượng mặt đường có biểu hiện không đạt chuẩn.

Bà N.T.D là người dân địa phương cho biết: "Dự án này đã thi công trong khoảng thời gian gần một năm trở lại đây. Thời gian đầu người dân rất bức xúc về việc ô nhiễm bụi bẩn trong quá trình thi công. Đến nay khi đã rải được lớp đá mặt đường thì đỡ bụi hơn".

Không những thế, việc thi công công trình này cũng đã gây mất an toàn giao thông cho người dân trong khu vực, khi không có các rào chắn, biển báo hiệu theo quy định.

Dư luận cho rằng, để dự án được đảm bảo chất lượng trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, UBND huyện Quỳnh Phụ cần tiến hành thanh kiểm tra, xác minh làm rõ có hay không hành vi "rút ruột” dự án?

Được biết, Công ty Tuấn Anh do ông Nguyễn Quang Tiệp là người đại diện pháp luật. Loại hình hoạt động là công ty TNHH hai thành viên trở lên, có địa chỉ: thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đã hoạt động 9 năm.

Công ty Tuấn Anh được cho là nhà thầu "thân quen” của huyện Quỳnh Phụ bởi lẽ ngoài việc trúng thầu thi công dự án trên, doanh nghiệp này còn liên tiếp trúng các gói thầu xây lắp trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Đơn cử như các gói thầu: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư Đồng Quỳnh, có trị giá hơn 86 tỷ đồng, dự án này cũng do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thương mại Đông Phong là bên mời thầu; gói thầu hạ tầng điểm dân cư tổ dân phố số 1, thị trấn Quỳnh Côi, với trị giá hơn 11 tỷ đồng. Cả 2 dự án đều nằm trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ.

Để tiếp tục làm rõ thêm thông tin về sự việc, phóng viên Báo Công Thương Điện tử đã có cuộc trao đổi với đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Phụ.

Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Phụ giải thích:Việc phía 2 thành cầu Đá đã xuất hiện những vết nứt kéo dài từ mặt cầu lên đến mép thành cầu có lý do vết này là các khe co giãn của cầu có trong hồ sơ thiết kế được duyệt. Còn việc phía mép dưới thành cầu giáp với bề mặt cũng xuất hiện những vết nứt ngang kéo dài, lộ rõ khi lớp trát bằng xi măng bị bong tróc “trông rất phản cảm” như thông tin phản ánh thực chất đây là vết ba via (khe hở) giữa hai tấm cốt pha ghép lại với nhau, trong quá trình đổ bê tông tạo ra (đơn vị thi công mài phẳng ko ảnh hưởng đến kết cấu).

Một đoạn đường đang được hoàn thiện

Trái ngược với thông tin cho rằng, phía 2 bên đầu cầu đá, đơn vị thi công đã sử dụng lớp đá bây rải đường không đồng đều, Ban quản lý dự án giải thích: Đây là hàng đá bó vỉa chân lề trong công tác thi công lớp đá 4x6. đã có trong tiêu chuẩn thi công lớp đá 4x6.

Một chiếc cầu sau khi hoàn thiện thi công

Tương tự, với thông tin “qua quan sát có thể thấy lớp nhựa đường được tưới rất ít, chất lượng mặt đường có biểu hiện không đạt chuẩn”, Ban quản lý dự án cho rằng đánh giá như vậy là chưa đủ căn cứ.

Trên thực tế, đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp cao A1, được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế bao gồm Lớp bê tông nhựa C19 (hạt trung) dày 7cm; tưới nhựa dính bám; láng nhựa 2 lớp; lớp đá dăm tiêu chuẩn lớp mặt dày 15cm; lớp móng cấp phối đá dăm loại II dày 25cm. Phần nhựa chỉ được tưới ở mặt đường còn phần bó vỉa ( mỗi bên 15cm) không tưới nhựa do không có trong thiết kế.

Kết cấu tiêu chuẩn đường cho thấy một số phản ánh cần được làm rõ dưới góc độ kỹ thuật

Ban quản lý dự án cũng cho biết thêm, đến nay, đơn vị thi công đã tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện con đường, khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập, đảm bảo chất lượng công trình đáp ứng tiêu chuẩn đề ra.

Báo Công Thương Điện tử sẽ tiếp tục tìm hiểu thực tế, làm rõ hơn sự việc.

Phi Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-binh-lam-ro-duong-33-ty-dong-di-cum-cong-nghiep-quy-ninh-co-bi-rut-ruot-174626.html