Thách thức chưa từng có tại Apple

Trước khi lệnh cấm nhập khẩu Apple Watch tại Mỹ có hiệu lực, Táo khuyết đang lên kế hoạch 'giải cứu' mảng kinh doanh trị giá 17 tỷ USD với hy vọng kết thúc tranh chấp.

Theo Bloomberg, các kỹ sư của Apple đang nỗ lực chỉnh sửa thuật toán đo nồng độ oxy máu (SpO2) trên Apple Watch. Tính năng này khiến Táo khuyết vướng vào tranh chấp pháp lý với Masimo, công ty nổi tiếng với những thiết bị theo dõi y tế không xâm lấn, bao gồm máy đo oxy xung.

Nguồn tin thân cận cho biết các chỉnh sửa nhằm thay đổi cách đo SpO2 và trình bày dữ liệu với người dùng.

Đây được xem là động thái chưa từng diễn ra tại Apple. Dù vài sản phẩm Táo khuyết từng bị cấm bán tại một số quốc gia, công ty chưa từng đối mặt nguy cơ sản phẩm quan trọng bị cấm bán ngay tại quê nhà, trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Không thể bán sản phẩm tại quê nhà

Theo The Verge, Masimo đã nộp 2 đơn kiện, một lên Tòa án Quận cho Quận Trung tâm California, và một lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC). Công ty này cáo buộc Apple thuê nhân viên đánh cắp công nghệ đo SpO2 để tích hợp lên Apple Watch.

Lệnh cấm nhập khẩu là kết quả từ phán quyết của ITC, dẫn đến khả năng Apple Watch không được nhập khẩu và phân phối tại Mỹ. Nếu Nhà Trắng không phủ quyết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12.

Apple Watch Ultra 2, mẫu đồng hồ thông minh cao cấp nhất của Táo khuyết hiện tại. Ảnh: Bloomberg.

Apple có thể đàm phán với Masimo để giải quyết tranh chấp, dù khả năng trên khó xảy ra. Hiện tại, Táo khuyết ưu tiên sửa đổi công nghệ với hy vọng lệnh cấm được gỡ bỏ.

Trong trường hợp xấu nhất, Apple phải ngừng nhập khẩu và phân phối 2 thiết bị vào Mỹ, gồm Apple Watch Series 9 và Ultra 2.

Theo thông báo từ công ty, 2 mẫu này sẽ tạm ngừng bán trên Apple Store trực tuyến từ ngày 21/12, trong khi 270 cửa hàng bán lẻ của Apple tại Mỹ vẫn giao máy đến 24/12.

Apple đã gửi bảng quảng cáo mới đến các cửa hàng, loại bỏ hình ảnh của Apple Watch Series 9 và Ultra 2. Trong khi đó, Apple Watch SE thế hệ 2 vẫn bán bình thường do không trang bị cảm biến SpO2, Bloomberg đưa tin.

Kế hoạch của Apple

Nguồn tin nội bộ cho biết các chỉnh sửa hiện nay nhắm vào phần mềm thay vì phần cứng. Tuy nhiên, tranh chấp giữa Apple với Masimo chủ yếu liên quan đến phần cứng, bao gồm cách ánh sáng được chiếu vào da để đo SpO2.

Phát ngôn viên của Apple chia sẻ công ty đang nộp tài liệu trình bày thay đổi lên hải quan Mỹ, với hy vọng được phê duyệt. Trong khi đó, Masimo khẳng định chỉnh sửa phần mềm sẽ không đủ, và "phải thay đổi phần cứng".

Màn hình hiển thị chỉ số SpO2 trên Apple Watch. Ảnh: Trusted Reviews.

Evan Zimmerman, CEO công ty sản xuất phần mềm soạn thảo bằng sáng chế Edge, cho rằng những tranh chấp kiểu này thường được giải quyết sớm, thay vì dẫn đến kết quả nghiêm trọng hơn.

"Các loại tranh chấp dẫn đến hạn chế nhập khẩu rất hiếm, thường chỉ dùng làm bàn đạp cho các cuộc đàm phán giải quyết", Zimmerman nhận định.

Ông nói thêm Apple có thể gặp khó trong việc giải quyết tranh chấp bằng chỉnh sửa phần mềm, do bằng sáng chế của Masimo bao phủ rất nhiều khía cạnh.

Sau khi chỉnh sửa, việc phân phối lại thiết bị ra thị trường sẽ mất nhiều thời gian. Theo Bloomberg, giai đoạn thử nghiệm phần mềm của Apple thường kéo dài. Hãng cần đảm bảo các thay đổi không ảnh hưởng đến những tính năng khác của Apple Watch. Ngoài ra, cần thêm nhiều kiểm nghiệm bởi đó là các thay đổi liên quan đến tính năng y tế.

Trong trường hợp Apple phải chỉnh sửa phần cứng, việc sản xuất và vận chuyển các model có thể mất ít nhất 3 tháng, chưa tính thời gian phê duyệt từ hải quan Mỹ.

"Giải cứu" thị trường 17 tỷ USD

Apple Watch được bổ sung nhiều tính năng theo dõi sức khỏe qua từng thế hệ. Cảm biến đo SpO2 lần đầu tích hợp trên Apple Watch Series 6 vào năm 2020.

Thời điểm đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, một số bác sĩ sử dụng SpO2 để đánh giá tác động của virus đến khả năng thở của bệnh nhân. Người khỏe mạnh có chỉ số SpO2 vào khoảng 95-100%.

Doanh thu ước tính của dòng Apple Watch từ năm tài chính 2018 đến 2023. Ảnh: Bloomberg.

Cảm biến đo SpO2 tiếp tục xuất hiện trên Series 7 và Series 8. Dòng Series 7 đã bị ngừng bán khi Series 8 ra mắt, nhưng khi Series 9 xuất hiện, Series 8 vẫn được bán dưới dạng tân trang.

Lệnh cấm của ITC chỉ áp dụng cho kênh bán hàng trực tiếp của Apple. Điều đó đồng nghĩa các nhà bán lẻ bên thứ 3 tại Mỹ như Walmart, Best Buy, Target... vẫn bán thiết bị bình thường.

Giới phân tích nhận định Apple Watch mang về doanh thu 16,9 tỷ USD cho Táo khuyết trong năm tài chính 2023. Dù chỉ chiếm phần nhỏ so với con số 200 tỷ USD mà iPhone tạo ra, Apple Watch được xem như thiết bị gắn kết người dùng với hệ sinh thái Apple.

Apple Watch Series 9 và Ultra 2 trưng bày trong một cửa hàng. Ảnh: Apple.

Hiện chưa rõ phán quyết cuối cùng của Nhà Trắng. Một quan chức chính quyền cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đang xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố.

Nhà Trắng có quyền phủ quyết lệnh cấm của ITC. Năm 2013, Apple đã hưởng lợi khi cựu Tổng thống Barack Obama phủ quyết lệnh cấm nhập khẩu với iPhone 4 và một số mẫu iPad do tranh chấp bằng sáng chế với Samsung.

Tuy nhiên, đó là vụ kiện giữa một công ty Mỹ và Hàn Quốc, trong khi trường hợp này liên quan đến 2 công ty Mỹ.

Trong thông báo chính thức, Masimo cho biết phán quyết của ITC "cần được tôn trọng", khẳng định lệnh cấm "chứng tỏ rằng kể cả công ty quyền lực nhất thế giới cũng phải tuân thủ luật pháp". Ngược lại, đại diện Apple nhấn mạnh công ty "hoàn toàn không đồng ý" kết quả, và có kế hoạch kháng cáo lên Tòa án Liên bang.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thach-thuc-chua-tung-co-tai-apple-post1449684.html