Tết Trung Thu có phải ngày Mặt Trăng sáng nhất?

Tết Trung Thu còn được gọi là Tết trăng, liệu có phải là trăng rằm sáng nhất năm hay không? Chuyên gia sẽ có những lý giải thú vị.

Khi nào Trăng tròn?

Tết Trung Thu hay còn gọi là ngày Rằm tháng Tám, được tổ chức kéo dài từ ngày 14 - 16 tháng 8 âm lịch hằng năm. Nhiều người cho rằng ngày này Mặt Trăng sẽ tròn nhất và sáng nhất. Bên cạnh đó, vào thời gian này thì người dân cũng đã thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà trong đó tiêu biểu là lễ hội Trăng Rằm.

Ở Việt Nam, Tết Trung Thu còn được gọi với nhiều tên khác nhau dựa trên các hoạt động, bản chất và đối tượng tham gia của ngày lễ này. Ví dụ, một số địa phương còn gọi là Tết trông trăng, Tết Thiếu nhi (Tết trẻ con), Tết Đoàn viên, Tết hoa đăng… Nhiều người mặc định suy nghĩ rằng trăng rằm tháng 8 thì tròn hơn và sáng hơn những lần trăng tròn khác, thực hư điều này thế nào?

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ Việt Nam cho biết, việc trăng rằm tháng 8 Âm lịch (tức đêm Trung Thu) tròn và sáng nhất trong năm là một niềm tin tương đối phổ biến ở người Việt Nam. Tuy nhiên việc này là không chính xác.

Mặt Trăng không tự phát sáng mà chỉ phản xạ ánh sáng từ Mặt Trời. Do đó, luôn có đúng một nửa của nó nhận được ánh sáng từ Mặt Trời còn nửa còn lại thì tối. Khi Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất, phần được chiếu sáng của nó có lúc hướng toàn bộ về phía Trái Đất, có lúc chỉ một phần và có lúc hoàn toàn không hướng về Trái Đất, vì thế chúng ta nhìn thấy các pha tròn - khuyết - bán nguyệt - lưỡi liềm... của Mặt Trăng.

Mỗi chu kỳ Trăng, luôn có một lần mà toàn bộ phần được chiếu sáng của nó hướng về phía chúng ta, các nhà thiên văn gọi đó là điểm Trăng tròn. Điểm này có thể rơi vào ngày 15 hoặc 16 trong tháng Âm lịch. Không hề có bất cứ ngoại lệ nào trong số những lần Trăng tròn như vậy, hay nói cách khác Trăng rằm tháng 8 không hề tròn hơn những tháng khác.

Tết Trung Thu, Mặt Trăng lớn hơn và sáng hơn?

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng tới Trái Đất là 384.000 km. Nhưng vì quỹ đạo của nó trên thực tế là hình elip nên Mặt Trăng có lúc ở gần và có lúc ở xa hơn một chút so với khoảng cách này. Thông thường, mỗi năm thường có 1, 2 hoặc có thể 3 lần mà Trăng tròn rơi vào đúng thời điểm Mặt Trăng đang ở gần điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó). Khi đó từ Trái Đất, chúng ta thấy Trăng lớn hơn và sáng hơn một chút, và gọi hiện tượng đó là siêu Trăng. Tuy nhiên, siêu Trăng cũng không có sự ưu tiên nào cho tháng 8 Âm lịch cả, và vì thế hoàn toàn không có việc cứ rằm tháng 8 thì Trăng sáng hơn.

Một cách giải thích khác về niềm tin này là rằm tháng 8 thường rơi vào tháng 9 Dương lịch. Thời điểm này là mùa thu và ở nhiều khu vực ở Việt Nam (nhất là các tỉnh phía Bắc) trời thường ít mây, sau giai đoạn trước đó thường có nhiều mây và mưa, cộng thêm tâm lý văn hóa về ngày Trung Thu, nên người ta thấy Trăng tròn dường như sáng hơn thông thường.

Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Theo các mô hình hiện tại được thừa nhận rộng rãi thì nó được hình thành từ 4,5 tỷ năm trước sau va chạm giữa Trái Đất và một hành tinh có kích thước cỡ Sao Hỏa mà các nhà khoa học gọi là Theia. Hiện tại nó đang hoạt động ổn định quanh quỹ đạo Trái Đất với chu kỳ 27,32 ngày. Và Mặt Trăng đang chuyển động ra xa quỹ đạo Trái Đất với khoảng cách 3,8cm mỗi năm.

Mặt Trăng ngoài chuyển động quỹ đạo quanh Trái Đất thì còn có sự tự quay, giống như Trái Đất. Tuy vậy, nó bị khóa triều (hay thủy triều) với Trái Đất. Sự khóa này khiến cho chu kỳ tự quay của Mặt Trăng trùng với chu kỳ quỹ đạo của nó. Và vì vậy, nó luôn hướng cùng một phía về Trái Đất và chúng ta luôn nhìn thấy cùng một mặt của nó. Hiện tượng này xuất phát từ việc hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trăng làm cả hai đều bị biến dạng, phồng lên ở phần hướng về nhau. Sự phồng lên này khó được nhận ra trực tiếp đối với phần đất liền nhưng được quan sát rõ nét ở biển, đó chính là hiện tượng thủy triều.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tet-trung-thu-co-phai-ngay-mat-trang-sang-nhat-169230830173448804.htm