Nghịch lý nghề săn cá voi Nhật Bản

Nhật Bản lên kế hoạch săn cá voi vây lớn vì mục đích thương mại bất chấp nhu cầu của thị trường với loại thịt này đã giảm mạnh trong nhiều năm.

 Ngày 9/5, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản công bố kế hoạch bổ sung cá voi vây lớn - loài động vật lớn thứ hai trên Trái Đất - vào danh sách những loài cá voi được phép đánh bắt với lý do thương mại. Ảnh: Kyodo.

Ngày 9/5, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản công bố kế hoạch bổ sung cá voi vây lớn - loài động vật lớn thứ hai trên Trái Đất - vào danh sách những loài cá voi được phép đánh bắt với lý do thương mại. Ảnh: Kyodo.

Lần gần nhất ông Ken Kato (54 tuổi, Tokyo) ăn thịt cá voi là khoảng 30 năm trước. Từ đó, ông đã có một ấn tượng không tốt với loại thịt này.

Kato hiểu rõ thịt cá voi có hàm lượng thủy ngân và kim loại độc hại cao. Theo ông, nghề đánh bắt cá voi còn là một “gánh nặng” vì chính phủ liên tục sử dụng tiền thuế để trợ cấp cho những người hoạt động trong nghề.

Dù vậy, nam doanh nhân 54 tuổi khẳng định: “Những cuộc săn cá voi là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa ẩm thực của Nhật Bản. Chúng cần phải được tiếp tục dù các quốc gia khác có phản đối”. Đối với Kato, việc nhiều tổ chức và cá nhân chỉ trích hoạt động săn bắt cá voi của Nhật Bản là hành vi “phân biệt chủng tộc”.

Mở rộng săn bắt cá voi

Tháng 12/2018, Nhật Bản đã rời Ủy ban Săn cá voi Quốc tế. Tuy nhiên, quốc gia này lại triển khai các hoạt động bắt cá voi minke, bryde và sei ngay sau đó. Thậm chí, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản còn đề ra hạn ngạch phải bắt được 397 con cá voi trong năm 2023, dù chỉ tiêu đó chỉ được đáp ứng một phần.

Ngày 9/5, Cơ quan này còn làm dấy lên tranh luận khi công bố kế hoạch bổ sung cá voi vây lớn - loài động vật lớn thứ hai trên Trái Đất - vào danh sách những loài cá voi được phép đánh bắt với lý do thương mại. Kế hoạch này sẽ tiếp nhận góp ý của công chúng cho đến ngày 6/6 và dự kiến chốt phương án thực hiện vào tháng 7. Tuy nhiên, “quy trình này chỉ mang tính hình thức và khó ảnh hưởng đến quyết định ban đầu”, theo Patrick Ramage, Giám đốc Cấp cao của Quỹ Phúc lợi Động vật Quốc tế.

 Cá voi vây lớn là loài động vật lớn thứ hai trên Trái Đất. Ảnh: NAVISyachts.

Cá voi vây lớn là loài động vật lớn thứ hai trên Trái Đất. Ảnh: NAVISyachts.

Ramage khẳng định: “Thật là một sai lầm trong hoạch định chính sách khi Nhật Bản cố gắng gia tăng sản phẩm cho một thị trường có nhu cầu đang bị thu hẹp”.

Theo thống kê, mức tiêu thụ thịt cá voi ở Nhật Bản đã đạt đỉnh vào năm 1962 khi chạm mốc 233.000 tấn/năm. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 3.000 tấn/năm trong những năm gần đây. Điều này đã khiến chính phủ Nhật Bản phải liên tục trợ cấp cho ngành săn bắt cá voi để giữ cho ngành tiếp tục hoạt động.

Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản là thành viên của Ủy ban Săn cá voi Quốc tế. “Đất nước mặt trời mọc” đã khai thác lỗ hổng trong các quy định quốc tế và tiếp tục săn bắn cá voi để “nghiên cứu khoa học”.

Dù cố gắng bắt càng nhiều cá voi càng tốt, nhu cầu thịt cá voi ở Nhật trong những năm gần đây vẫn không hề cao. Thịt cá voi bắt được sẽ dùng làm bữa trưa ở các trường học ven biển, nơi những cộng đồng săn cá voi hoạt động chính, làm thức ăn cho vật nuôi hoặc bảo quản trong kho lạnh.

Nhu cầu về thịt cá voi giảm mạnh

Năm 2019, Nhật Bản đã trợ cấp khoảng 5,1 tỷ yen (hơn 32 triệu USD) cho ngành săn cá voi. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này đã được chuyển sang hình thức cho vay với định mức tối đa là 340 triệu yen (2,2 triệu USD) vào năm 2022.

Chính phủ Nhật không giải thích lý do cắt giảm trợ cấp và chuyển hình thức hỗ trợ thành cho vay. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng các vấn đề kinh tế của Nhật Bản như nợ cao, đồng yen yếu có thể là những nguyên nhân chính. Điều này cũng có thể là một nỗ lực giảm thiểu sự chỉ trích quốc tế đối với ngành săn cá voi truyền thống.

 Người Nhật tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thịt cá voi mỗi năm, thấp hơn thời kỷ đỉnh cao khoảng 77 lần. Ảnh: Kyodo.

Người Nhật tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thịt cá voi mỗi năm, thấp hơn thời kỷ đỉnh cao khoảng 77 lần. Ảnh: Kyodo.

“Việc mở rộng những cuộc săn bắt cá voi là một điều vô nghĩa khi nhu cầu của người tiêu dùng đang giảm mạnh”, nhà hoạt động Ramage nhận xét. “Tại sao họ lại cố gắng khai thác một sản phẩm không thể bán được?”.

Ông nói thêm Quỹ Phúc lợi Động vật Quốc tế đã kêu gọi Nhật Bản không được săn bắt cá voi với mục đích thương mại.

Ông Ren Yabuki, người sáng lập Cơ quan Nghiên cứu Sinh vật Nhật Bản - tổ chức bảo vệ động vật phi chính phủ, cũng phẫn nộ với kế hoạch mở rộng săn bắt cá voi của quốc gia.

“Nhu cầu về thịt cá voi đã giảm mạnh”, ông nói. “Hoàn toàn không thể hiểu lý do Nhật Bản đưa loài cá voi mới vào danh sách được giết mổ. Rõ ràng, cá voi có vai trò không thể thay thế đối với Trái Đất và có tác dụng lớn trong việc lưu trữ carbon”.

“Xét đến tình trạng hiện tại của hành tinh, chính phủ Nhật đang hành động ngược với cả thế giới và gây tổn hại đến môi trường sống. Thế giới cần lên án hành động của Nhật Bản”, người sáng lập Cơ quan Điều tra Sinh vật Nhật Bản kêu gọi.

Không đơn giản là thức ăn

Ken Kato, 54 tuổi và là một người ủng hộ săn bắt cá voi, nhận xét những lời chỉ trích của các quốc gia và tổ chức sinh thái là “đạo đức giả”. Ông nói: “Nhiều người Nhật cảm thấy bị khinh thường khi hoạt động săn bắt cá voi bị chỉ trích”.

“Đối với nhiều người, săn cá voi không chỉ là tìm thức ăn. Tôi cũng nghĩ không có nhiều người Nhật thích ăn thịt cá voi. Tuy nhiên, chúng tôi không thích người khác yêu cầu quốc gia mình phải làm gì đó”, Kato chia sẻ với SCMP. “Nếu chúng tôi lùi bước trong hoạt động này, không lâu sau, họ sẽ yêu cầu chúng tôi không được ăn sushi. Không thể vì áp lực bên ngoài mà xóa bỏ nền tảng văn hóa quốc gia”.

Izumi Tsuji, nhà xã hội học và giáo sư tại Đại học Chuo (Tokyo), cho biết mỗi thế hệ ở Nhật Bản có một góc nhìn riêng về hoạt động săn bắt cá voi. Trong khi những người lớn tuổi có những “hoài niệm” nhất định về hương vị và truyền thống này thì “giới trẻ không biết gì về thịt cá voi và cũng không hứng thú”.

 Mỗi thế hệ khác ở Nhật Bản có một góc nhìn riêng về hoạt động săn bắt cá voi. Ảnh: Kyodo.

Mỗi thế hệ khác ở Nhật Bản có một góc nhìn riêng về hoạt động săn bắt cá voi. Ảnh: Kyodo.

Giáo sư Tsuji nói bản thân ông cũng là người thường xuyên ăn thịt cá voi khi còn trẻ. Ông từng đọc về loại thịt này trong Oishinbo - bộ truyện tranh về ẩm thực Nhật Bản. “Chiến dịch chống săn bắt cá voi bắt đầu ở Mỹ. Đây này một phần trong cuộc tấn công của Mỹ vào văn hóa Nhật Bản”, ông phân tích.

“Vì vậy, việc săn cá voi không chỉ là vấn đề lương thực, sinh thái mà còn là vấn đề chính trị. Nhật Bản không thích phần còn lại của thế giới yêu cầu chúng tôi phải làm gì đó”, nhà xã hội học ở Đại học Chuo khẳng định.

Đông Tùng

Theo SCMP

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nghich-ly-nghe-san-ca-voi-nhat-ban-post1476453.html