'Tết sớm' ở miền biên viễn

Từ Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đến Khánh Hưng, Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), những vườn dừa, cánh đồng lúa xanh mướt đang vào mùa trúng 'nứt tay'. Đường vào xóm, ấp phần lớn được trải nhựa, đá xanh, nhà tường mái ngói mọc lên ngày càng nhiều. Từ nơi 'rốn phèn', chỉ sau hơn một thập niên, đời sống người dân vùng biên Đồng Tháp Mười đang khá lên từng ngày.

Tỉ phú nông dân vùng “rốn phèn”

Sáng sớm, già Sáu Cò (Nguyễn Văn Cò, ấp Tà Nu, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) chạy xe máy đi thăm cánh đồng lúa gần 6ha vừa vào vụ Đông Xuân, cách nhà vài cây số. Cánh đồng nằm trong mô hình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm của Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A). Nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, vụ Hè Thu rồi, cánh đồng cho năng suất bình quân trên 6 tấn/ha, bán giá 5.800 đồng/kg, già Sáu Cò thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha. Cộng với 4ha đất thuê, trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Già Sáu Cò quê gốc xã Tân Lân, huyện Cần Đước, từng là bộ đội ở chiến trường Campuchia. 38 năm trước, sau khi xuất ngũ, ông cùng gia đình đến Khánh Hưng lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Đất đai vùng biên phèn chát nhưng hai vợ chồng chí thú làm ăn, vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi, mỗi năm dành dụm mua thêm đất và nuôi 6 người con ăn học. Sau hơn nửa đời người phấn đấu, bây giờ, già Sáu Cò có cơ ngơi “ngon lành”.

Từ vùng đất khó, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đang hướng đến lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị loại V (Trong ảnh: Một góc xã Khánh Hưng)

“Ông Sáu Cò là nông dân giỏi cấp tỉnh. Mỗi năm, bình quân lợi nhuận trên 200 triệu đồng; mỗi hécta đất lúa cặp đường rộng vùng biên có giá thị trường từ 1-1,5 tỉ đồng, tính ngót nghét, tài sản của ông phải 5-6 tỉ đồng” - Trưởng ấp Tà Nu, xã Khánh Hưng - Nguyễn Chí Thành nói. Khi khá giả, ông Sáu Cò tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiều năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, ông vận động, hỗ trợ chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Những năm trước, đường bờ Nam cặp kênh Hưng Điền sình lầy, đi lại khó khăn, mùa mưa, cha mẹ phải cõng con đi học mỗi ngày 4-5 cây số. Ông Sáu Cò khi đó tình nguyện hiến trên 500m2 đất để Nhà nước đầu tư xây dựng đường sá. Bây giờ, con đường được trải nhựa phẳng phiu, xe ôtô có thể vào tận xóm, ấp, các em nhỏ thuận tiện đạp xe đến trường.

Đường về xã biên giới với cây xanh và hoa vàng trong những ngày cuối năm

Những ngày cuối năm, bà Sáu cùng các con đang “gấp như tết”, tất bật dọn dẹp căn nhà mới xây, rộng 200m2, chưa tính nội thất đã trên 700 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Võ Duy Huy Vũ chia sẻ, xã thành lập năm 1991, người dân chủ yếu từ các huyện phía Nam của Long An và tỉnh Hải Hưng cũ (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay) đi xây dựng kinh tế mới. Ngày đó, hơn nửa diện tích đất nông nghiệp hoang hóa, toàn xã chỉ có độc nhất tuyến Đường tỉnh 831, không điện, không nước sạch, không đường giao thông, người dân lội bộ, bơi xuồng. Người dân đi kinh tế mới đều nghèo khó, nhà cửa khi đó chỉ là những căn lều, chòi tạm để che mưa, nắng. Sau này, khi kênh 28 nối sông Vàm Cỏ Tây với kênh ranh Cái Cỏ được hình thành, người dân mới có nước ngọt để tưới tiêu, xổ phèn, năng suất lúa vì thế tăng lên.

Từ một nơi “khỉ ho cò gáy”, năm 2014, Khánh Hưng là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hai năm trước, xã tiếp tục phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Vĩnh Hưng. Đặc biệt, đây là xã điển hình trong việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng hạ tầng theo cơ chế đặc thù. Giai đoạn 2014-2020, xã huy động các nguồn lực được 193 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 53 tỉ đồng, chiếm 27,5%.

Bây giờ, ngoài hệ thống giao thông cơ bản được hoàn thành, nhựa hóa; hệ thống thủy lợi cũng được nạo vét, đê bao khép kín bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp. Điện, nước được đầu tư, phần lớn trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Hộ nghèo giảm còn 1,7%. Ngoài cánh đồng lớn, vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, xã còn có nhiều mô hình mang lại lợi nhuận khá như trồng dưa hấu, rau màu, nuôi trâu, bò vỗ béo,... “Xã đang hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị loại V. Trong tương lai, đời sống người dân sẽ ngày càng nâng cao” - ông Võ Duy Huy Vũ nói.

Những căn nhà “nghĩa tình biên cương”

Từ trung tâm xã Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), chúng tôi đi theo con đường đá xanh khoảng 7km, sau đó lội bộ men theo con đường đất vài trăm mét dọc kênh Cầu Sạn 3 mới đến được nhà chị Trần Thị Thắm. “Mấy đêm rồi, tui với ổng mừng quá nên không ngủ được” - chị Thắm tươi cười chia sẻ về ngày được bàn giao nhà mới. Gương mặt đen sạm, khắc khổ, hai bên khóe mắt đầy vết chân chim khiến chị trông già hơn nhiều so với tuổi 38.

Đón xuân Quý Mão, vợ chồng chị Trần Thị Thắm (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) vui mừng có được căn nhà từ chương trình “Nghĩa tình biên cương”

Căn nhà tường cấp 4, mái tôn, nền gạch mới xây, rộng 70m2 của chị Thắm nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ở ấp 6, xã Mỹ Bình, thuộc chương trình Nghĩa tình biên cương do Ban Tuyên giáo Thành ủy Tân An tài trợ. Nhiều năm liền thuộc diện “không có cục đất chọi chim” của địa phương, chồng làm thợ hồ, chị Thắm làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày, vợ chồng chị cùng 2 đứa con trai chen chúc trong căn nhà lá xập xệ đã nhiều năm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứa con nhỏ học hết cấp 2 thì bỏ dở, xin học nghề thợ sắt.

Ngày được địa phương xét tài trợ kinh phí 50 triệu đồng, chị Thắm mừng quá, cùng chồng gom góp hết tiền dành dụm, vay mượn thêm của họ hàng được 50 triệu đồng để xây “căn nhà trong mơ”. Căn nhà do hai vợ chồng tự tay xây dựng, anh Hiệp - chồng chị là thợ chính, thợ phụ là anh em ruột trong gia đình nên đỡ tốn chi phí thuê nhân công.

Ngày nhận nhà cũng là ngày vợ chồng chị Thắm chính thức thoát nghèo. Sau mấy chục năm sử dụng nước sông lắng lọc, mới đây, vợ chồng chị khoan giếng để có nước sạch dùng trong sinh hoạt hàng ngày. “Con trai lớn đi bộ đội, nghe tin cha mẹ xây nhà mới cũng rưng rưng, nói khi nào ra quân trở về sẽ ráng làm kiếm tiền tô tường nhà, lát cái sân gạch để mùa mưa cha mẹ đi lại đỡ vất vả” - chị Thắm khoe.

“An cư để lạc nghiệp” là một trong những chủ trương của huyện Đức Huệ. Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong thông tin, giai đoạn 2019-2021, huyện được triển khai xây dựng 15 căn nhà liền kề Chốt dân quân thường trực xã Mỹ Quý Tây và Chốt dân quân thường trực xã Mỹ Quý Đông, bàn giao cho các hộ dân vào ở ổn định. Tháng 5/2022, huyện tiếp tục tổ chức lễ khởi công xây dựng 80 căn nhà điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới ở các xã: Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông.

Từng là huyện nghèo trọng điểm của tỉnh, đến nay, Đức Huệ có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có xã biên giới Mỹ Thạnh Tây. Ngày nay, việc đi lại của người dân đỡ vất vả hơn trước bởi nhiều tuyến đường như Đường tỉnh 838, 839, 822, 816,... và một số tuyến đường trên địa bàn các xã, thị trấn được nhựa hóa. Không chỉ vậy, những dự án quan trọng như Đường tỉnh 822B, đường Vành đai 4, trục Lương Hòa - Mỹ Quý, trục kết nối Quốc lộ N1 và N2,... trên địa bàn cũng đã có chủ trương đầu tư.

Những miền phên giậu nghèo khó năm nào giờ mang diện mạo mới. Mùa xuân dường như đến sớm hơn nơi miền biên viễn!./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/-tet-som-o-mien-bien-vien-a148017.html