Tết ở miền cổ tích

Ngày xửa ngày xưa, trên ngọn đồi đất gan trâu đỏ rực, bên cạnh dòng sông uốn lượn trong vắt, có một ngôi nhà lá nhỏ nằm dưới tán cây đào cổ thụ quanh năm xanh tốt. Trong ngôi nhà ấy có một cặp vợ chồng và những đứa con khỏe khoắn xinh đẹp…

Mùa xuân, cánh đồng trải dài trước nhà lúa con gái xanh mướt ngậm sương sớm trong vắt. Mùa hè, chín mọng những bụi sim tím ngọt lịm, râm ran tiếng ve. Mùa thu ngọn đồi phủ một mầu vàng rực của lá trúc, lá tre, của trăng tròn vành vạnh dát vàng trên bờ đê ngập cỏ may. Mùa đông, lẫn trong bếp lửa reo nồi cơm sôi là tiếng ếch vọng vào đêm tĩnh mịch. Cuộc sống của họ không giàu sang nhưng yên bình và tràn ngập hương vị cuộc đời quý giá.

Buổi sáng bọn trẻ thức dậy cùng với ánh mặt trời rực rỡ, với cỏ cây ngái ngủ trong sương sớm, được chờ đợi những nụ hoa đang vươn vai chào đón ngày mới, được hít hà mùi rơm rạ, mùi khói bếp, mùi không gian tinh khiết. Chúng vây quanh nồi khoai luộc nóng hổi rồi cắp cặp đi bộ cùng nắng đến trường. Buổi trưa trở về nhà cùng mặt trời bỏng rát trên đầu. Cô chị ào vào bếp nấu cơm, khói lá mục cay xè hai mắt, nồi canh rau tập tàng ngọt lịm, mớ tép chiều qua cậu em hì hụi bắt ngoài đồng vừa kho lên. Mấy đứa em bảo nhau khênh nước từ chiếc giếng làng đổ vào đầy bể, bố đi làm đồng về sẽ “đánh” phèn, nước đục ngầu lại thành trong vắt. Buổi chiều cô chị cùng mẹ cuốc đất trồng rau, mấy cậu em cởi trần tắm cho lũ lợn béo trong chuồng, bố thì làm thêm mấy cái ổ cho lũ gà mái đang tìm nơi đẻ trứng.

Ảnh minh họa

Những buổi tối mùa hè lộng gió, nằm ngửa dưới trăng gặm trái mít non chát xít chấm muối, cả lũ ước mơ có cái xe đạp cà tàng để đèo nhau đi học, có đôi giầy vải mới không bị thủng mõm lòi ngón chân cái ra ngoài.

Những buổi tối mùa đông lạnh buốt, cuộn mình trong đống lá khô với củ khoai nướng nóng hổi và ước ao được ăn kẹo mạch nha, chè con ong, bánh chưng với thit kho tầu.

Tất cả đều phải chờ đến tết, chờ bố xuất chuồng lứa lợn, gà nuôi suốt một năm, chờ những mẻ rượu mẹ thức suốt đêm chưng cất, chờ những rổ rau cô chị co ro vì rét bán nơi góc chợ quê.

Bữa ăn hàng ngày đói no thất thường. Một thìa muối hạt to tướng rưới mỡ hấp vào nồi cơm độn mì sợi, bát châu chấu rang với vài giọt xì dầu, hay đĩa ngọn sắn muối chua. Vậy là xì xụp, đứa lớn nhìn đứa bé, bố mẹ nhịn bớt một bát cơm cho lũ trẻ đang lớn, mâm cơm luôn rộn rã tiếng suýt soa, nói cười. Không ai kêu ca một lời dù đêm đến bụng réo lên vì đói, mấy chị em rủ nhau xuống bếp đảo tung nồi cám lợn tìm mấy cái “rái” khoai, gỡ lũ nhái bám chặt trên đó ra mà ăn một cách ngon lành.

Lũ trẻ đều biết đến tết sẽ có thịt, có xôi, có kẹo, có áo mới. Chúng vui vẻ với những ngày rong chơi trên bờ sông vừa đánh khăng, đánh đáo vừa ăn khoai sống, lá dứa, mít non, quả sung, quả vả. Chúng vui vẻ truyền tay nhau nắm thóc nếp rang nóng hổi dẻo thơm. Chúng thích thú lội ruộng bắt giun, bắt dế. Chúng khấp khởi chờ đợi tết và nhận ra trên trán cha thêm những nếp nhăn, mái tóc mẹ đã điểm vài sợi bạc.

Ảnh minh họa

Rồi mùa xuân cũng đến. Bầu trời đang chuyển màu ghi nhạt, sương sớm lảng bảng long lanh dưới những tia nắng mỏng. Nước sông loang làn khói ấm áp, ngọn đồi như chuyển động với những hạt mầm đang tách vỏ. Cây đào trước nhà đã hé những cánh rực đỏ như những đốm lửa. Để có cái tết như mơ ước của lũ trẻ, thì bố mẹ đã phải chuẩn bị từ lâu lắm rồi.

Đầu năm, những chú gà con, lợn con đã được thả vào chuồng cho mấy chị em chăm nom. Cô chị ngày ngày cắp cái rổ to hơn người ra cánh đồng trước nhà, nào rau vảy ốc, cỏ mỡ, rau vừng, thân chuối non… đầy ắp mang về thái nhỏ. Nhập nhoạng tối, mấy cậu em đem cần câu bì bõm dưới ruộng nước nhử đám nhái béo mầm vào giỏ. Cùng với bỗng rượu nếp thơm phức của mẹ, nồi cám ngon khiến lũ lợn rú rít đòi ăn và béo tròn. Cứ sau mỗi lần bán được vài mẻ rượu nếp, mẹ lại mang về một phên đường đen gói lá chuối để trong chạn bát. Mấy chị em thèm rỏ nước miếng cái vị mật mía ngọt lịm ấy nên thi thoảng trốn vào bếp lén cắn một miếng. Đứa nọ bảo đứa kia cắn miếng bé thôi, nếu không sẽ thiếu đường của mẹ. Đứa nào cũng biết số đường ấy mẹ tích trữ cả năm để đến tết nấu các loại chè.

Đến mùa gặt mẹ để dành thóc mới chuẩn bị nguyên liệu cho món kẹo mạch nha. Nào gạo nếp phải thật mẩy hạt, thóc nếp phải thật già thật khô. Suốt cả mùa hè mấy chị em cùng nhau hái quả mồng tơi chín, hoa mười giờ, ép lấy nước nhuộm những tập giấy bản để chuẩn bị trang trí trần nhà. Đến mùa thu, ngoài vườn, mẹ bắt đầu trồng những luống hoa cúc vạn thọ, hoa thược dược, lay-ơn, violet. Bố thì tìm mua những bó lá cọ thật to để sau những cơn mưa đông lợp lại mái nhà.

Tháng củ mật cả xóm bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Nhà nào cũng như “thay áo” mới, sạch sẽ, rộn ràng. Bố lợp lại mái nhà. Những tầu cọ xanh mướt khỏe khoắn làm cho ngôi nhà thêm vững chãi. Cô chị quyét mảng nhện khắp nơi, cậu em pha xô vôi, bức tường đất giờ khoác tấm áo mới trắng tinh. Buổi tối, sau giờ học bài mấy chị em lôi những tập giấy mầu ra để cắt dây xúc xích, làm đèn lồng, làm dây quả trám. Không khí tết bắt đầu len vào gian bếp ấm áp, rộn rã tiếng cười cho đến tận khuya.

Sáng hai mươi lăm tết, mẹ bắt đầu nấu kẹo mạch nha, món này phải làm trước vì rất công phu. Mẹ sàng lúa thật kỹ, ngâm qua đêm, bỏ vào thùng đổ đầy nước rồi ủ kín, bốn năm hôm thóc mới mọc mầm. Mẹ lấy mầm lúa ra phơi nắng thật khô, rồi giã thành bột. Gạo nếp mẹ cho vào nấu thành xôi rồi trộn lẫn bột mầm, cứ thế khuấy đều tay đến 12 tiếng đồng hồ, mẹ vớt ra ép lấy tinh chất. Tinh chất nếp còn phải “cô” lại bốn, năm tiếng nữa mới thành khối dẻo thơm phức. Mẹ cho thêm lạc rang, hạt bí rang trộn lẫn, vậy là món kẹo mạch nha ngọt lịm, bùi giòn thơm phức ra đời. Tay mẹ nứt nẻ rớm máu những ngày giá rét.

Sáng hai mươi chín tết bố cùng các bác hàng xóm chuẩn bị mổ lợn. Chú lợn béo tròn được rong ra sân, cô chị nước mắt lưng tròng, cậu em mếu máo “bố để con tắm cho nó đã”. Bố cầm rổ lá dong to tướng bảo hai chị em khênh ra bờ sông rửa. Chúng nó răm rắp nghe theo vì năm nào cũng thế, cứ đến giờ thịt lợn là bố sai mấy chị em ra sông rửa lá dong. Buổi chiều mẹ tất tả ngâm đỗ, ngâm gạo chuẩn bị nấu chè. Nào chè kho, chè con ong, chè bà cốt. Đĩa thì vàng óng mầu đậu xanh, đĩa thì sẫm cánh gián mầu mật mía, đĩa lại căng đầy trắng phau những hạt nếp thơm nức suốt cả đêm.

Sáng ba mươi tết, mẹ bắt đầu gói bánh chưng. Cô chị cắt tỉa hàng cây cúc tần trước cửa, quyét tước sân vườn. Mấy cậu em trai hì hụi với đống pháo giả cuốn bằng giấy đỏ. Chiều ba mươi tết, bố gầy bếp, bắt đầu luộc bánh, đặt thêm chậu nước to có nắm cây mùi già lên trên miệng nồi để lũ trẻ cùng tắm tất niên. Mẹ thịt gà soạn mâm cỗ cúng giao thừa. Bọn trẻ bắc thang treo dây xúc xích bốn góc nhà và quả đèn lồng ở giữa, treo dây quả trám thành rèm cửa sổ. Cô chị ra vườn cắt những cành Thược Dược còn chúm chím nụ, vài nhành violet, chút hoa cúc vàng. Ngôi nhà rực rỡ sắc màu.

Hai mươi ba giờ đêm, bố lấy chiếc đài cũ ra thay pin và bắt đầu dò sóng để chuẩn bị nghe đọc thư chúc tết. Cậu em út chạy lăng xăng quanh nồi bánh chờ vớt cái bánh “mụn”. Cô chị cầm chổi quyét nhà lần cuối vì mẹ bảo sang năm mới kiêng quyét dọn vì như thế nhà sẽ sinh ra nhiều kiến và bao nhiêu điều may mắn theo đó sẽ thất thoát. Lũ trẻ sốt ruột nhìn đồng hồ đếm từng tích tắc. Mẹ đặt cặp bánh chưng nóng hổi, chai rượu chanh Hà Nội, gói thuốc lá Trường Sơn họ hàng mới gửi cho, và đĩa mứt bí vừa làm vào mâm cỗ. Hai mươi ba giờ năm mươi phút, mẹ gọi năm chị em ra, ngửi đầu, sờ lưng từng đứa, trên người đứa nào cũng thơm phức vì vừa tắm nước mùi già, mẹ mở chiếc hòm gỗ cũ kỹ, năm chiếc áo len mẹ đan suốt cả năm trời, năm chiếc quần kaki xanh mẹ dành dụm may cho các con mặc tết. Năm chị em suýt soa ồ lên sung sướng. Hai mươi ba giờ năm mươi chín phút, mẹ cắm nén hương trầm đầu tiên lên bàn thờ, ngôi nhà lung linh ánh nến và thơm ngát hương trầm ấm áp. Hai mươi tư giờ, ngoài ngõ bắt đầu rộn lên tiếng pháo, trong nhà chiếc radio cũ của bố phát thư chúc tết của Hồ Chủ Tịch.

Ngoài sân, dưới tán cây đào cổ thụ lũ trẻ hóng mặt lên trời thích thú. Với chúng bầu trời đêm cuối năm tối đen như đang rực lên thứ ánh sáng huyền diệu của năm mới, của một mùa thơ ấu vô lo vô nghĩ vui tươi, của ngày mai mồng một tết được khoác chiếc áo len rực rỡ sắc mầu đẹp đẽ đi chơi khắp xóm, được nhận tiền mừng tuổi, của cái tết ở nơi có đôi tay nứt nẻ tứa máu của mẹ, có vai áo thấm đẫm mồ hôi của cha và những điều linh thiêng chỉ có ở miền cổ tích…

Thu Phương

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tet-o-mien-co-tich-d188318.html