Tập trung vào những vấn đề 'nóng'

Quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn; đẩy lùi lãng phí, tham nhũng; thực hiện các biện pháp cải cách, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp... là những vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 1-4 về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Thắng (đoàn Đồng Nai) phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam

Bức xúc thực phẩm "bẩn"

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được nhiều ĐBQH đề cập tại phiên thảo luận. Theo ĐB Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên), bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm "bẩn". Vì vậy, nếu không ngăn chặn được vấn nạn này thì không những không bảo đảm sự an toàn cho người dân, mà khiến nền nông nghiệp có thể "thua ngay trên sân nhà".

Tránh quy hoạch treo

(HNM) - Chiều 1-4, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, diện tích lấp đầy của các khu công nghiệp bình quân mới dừng ở mức khoảng 103.000ha, đạt 65% so với kế hoạch.

Có tới 1.547 nghìn héc ta đất được quy hoạch, nhưng chưa có phương án sử dụng 5 năm tới, chiếm 91,54%. Như vậy, tình trạng quy hoạch sử dụng đất có thể gây lãng phí rất lớn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, muốn tránh quy hoạch treo, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch thông tin. Từng địa phương phải công bố kế hoạch và quy hoạch chi tiết cho người dân biết.

Hà Phong

ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) nêu rõ, thực phẩm "bẩn" là một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ mắc bệnh ung thư của nước ta tăng cao, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. ĐB Lê Thị Nga kiến nghị 3 giải pháp. Thứ nhất, đề nghị QH giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật ATVSTP ngay tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng, mức độ mất ATVSTP hiện nay và có giải pháp ngăn chặn. Thứ ba, để chuẩn bị áp dụng tội vi phạm quy định về ATVSTP tại Điều 317 Bộ luật Hình sự mới với mức phạt hành chính cao nhất là 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 20 năm, Chính phủ sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên để xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai. ĐB Lê Như Tiến đề xuất xem ATVSTP là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của địa phương.

Chống tham nhũng, lãng phí

"Tôi đề nghị cần đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu, trên cơ sở nhận thức đây là mối nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia" - ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) phát biểu. Cùng quan điểm này, nhiều ĐB cho rằng, việc chống tham nhũng còn chưa đủ mạnh, đến nay chưa ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí! ĐB Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) cho rằng: "Nhiều công trình, dự án trung tâm hành chính, khu đô thị, ký túc xá sinh viên, công trình di tích lịch sử văn hóa ở một số nơi có vốn đầu tư cao, diện tích đất sử dụng lớn nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Ngược lại, các công trình thủy lợi, các dự án cấp bách về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành giáo dục, y tế cần đầu tư để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân lại chưa được quan tâm đúng mức". ĐB Nguyễn Công Hồng (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ đã đề cập đến thực hành tiết kiệm nhưng chưa nêu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. ĐB Bùi Mạnh Hùng kiến nghị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải đặt nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu. Thủ tướng Chính phủ khóa tới, khi tuyên thệ nhậm chức cần thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ.

Cần "đất lành" để phát triển

Theo ĐB Lê Như Tiến, Chính phủ đã "mở cửa" để mời gọi các nhà đầu tư với những ưu đãi về chính sách… nhưng không ít nơi vẫn "trên rải thảm, dưới rải đinh". Cụ thể, có địa phương làm khó cho các nhà đầu tư bằng việc cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng; một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu đòi tiền lót tay, bôi trơn. Cũng theo ĐB Lê Như Tiến, không thể để xuất hiện hình ảnh xấu về đất nước như nữ du khách nước ngoài bị giật túi xách giữa ban ngày tại thành phố lớn, du khách bị chèo kéo, chặt chém… Trên quan điểm đó, ông kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa tiêu chí an ninh, trật tự an toàn xã hội vào đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi địa phương.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị phải làm cho đất nước là nơi du khách quốc tế muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. Ông dẫn một ví dụ rất đáng suy nghĩ: "Năm 1946, khi Cụ Hồ sang Pháp, rất nhiều trí thức thành đạt đã từ bỏ vinh hoa, phú quý đi theo Cụ về nước, về chiến khu kháng chiến. Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ kháng chiến chống Mỹ. Nhưng, hiện nay, không ít trí thức giỏi không muốn về nước làm việc…".

Đa số các ĐB đều đồng tình và đánh giá cao báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2011-2015, nhất là kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu. Bên cạnh việc tán đồng các giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới, các ĐB cũng góp ý thêm cho các giải pháp. ĐB Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, cần tập trung cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vì đây là "cỗ máy" tạo việc làm lớn nhất.

Để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước rất cần xây dựng môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu có được ít nhất 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. ĐB Vũ Tiến Lộc phân tích, nếu bình quân một doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc thì 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp có thể tạo ra 30-40 triệu việc làm bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:
Cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Phát biểu cuối giờ chiều 1-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng gần đây có gần 6.000 mẫu thực phẩm được lấy phân tích, số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Điều đó cho thấy đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn! Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành nhận thức rất rõ yêu cầu của người dân trong bảo đảm ATVSTP.

Hiện các cơ quan đang tập trung vào 2 hướng. Thứ nhất, tập trung kiểm soát sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh. Kết quả bước đầu đã giảm mạnh việc sử dụng, lạm dụng hóa chất, kháng sinh. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục cùng Bộ Y tế, Công thương, Công an tiếp tục xử lý, chấn chỉnh việc dùng chất kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai, đẩy mạnh hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/829935/tap-trung-vao-nhung-van-de-nong