Tập huấn kỹ năng phòng chống ma túy và bắt nạt học đường cho hơn 1.800 học sinh

Sáng nay (16-10), tại Hà Nội, Trường THCS Thanh Xuân Trung đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về phòng chống ma túy và bạo lực học đường.

Buổi sinh hoạt nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2023, với mục đích giáo dục toàn diện, trang bị những kĩ năng mềm thiết yếu cho học sinh, nâng cao ý thức phòng chống ma túy và bạo lực học đường, hướng tới xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.

Các đại biểu, thầy cô giáo tại chương trình.

Tham dự chương trình có Trung tá Phạm Cánh Quân, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Điều điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm; Thạc sĩ Trịnh Hồng Vân - Hiệu trưởng nhà trường...

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các em học sinh đã được Trung tá Phạm Cánh Quân thông tin về cách nhận biết các loại ma túy, chất gây nghiện như thuốc phiện, cần sa, tinh dầu cần sa, heroin, cocain, các loại ma túy tổng hợp (hồng phiến, ketamin, thuốc lắc), các loại ma túy mới (nước vui, nước biển, cỏ Mỹ, nước dâu, nước xoài...), các chất kích thích (bóng cười, thuốc lá điện tử, shisha...).

Trung tá Phạm Cánh Quân giúp các em học sinh hiểu hơn về tác hại của ma túy, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước những tệ nạn xã hội.

Trung tá Phạm Cánh Quân cũng thông tin tới các em học sinh về tác hại của nghiện ma túy như gây ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, rối loạn nhân cách hành vi, tàn phá sức khỏe, sinh hoạt bị đảo lộn, hoạt động phạm tội, phá hoại hạnh phúc gia đình... Bên cạnh đó là các dấu hiệu nhận biết một người nghiện ma túy và cách phòng chống ma túy.

Cũng tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các em học sinh còn được cung cấp kiến thức về bạo lực học đường. Theo đó, bạo lực học đường có 2 hình thức là bạo lực vật chất và bạo lực tinh thần. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các hành vi trộm cắp có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Và từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo điều 89; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012...

Bài báo cáo của Trung tá Phạm Cánh Quân được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, có sự tương tác cùng các em học sinh. Qua đó, các thông tin bổ ích đã được các em tiếp thu nhanh chóng và giàu hàm lượng kiến thức thu về.

Các em học sinh hào hứng tham gia buổi báo cáo chuyên đề

Nhân dịp này, Trường THCS Thanh Xuân Trung đã tổ chức tuyên dương các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; động viên khích lệ Đội tuyển học sinh giỏi các môn Văn hóa, khoa học dự thi cấp quận.

Đại diện BGH Nhà trường và Thượng tá Phạm Quốc Việt cùng các em học sinh tiêu biểu

Trung tá Phạm Cánh Quân tặng thư viện nhà trường cuốn sách "Công an phố cổ" do anh chấp bút. Cuốn sách là những ký ức, những từng trải của tác giả được tác giả kể hết sức chân thật về công việc của công an cơ sở - nghề được ví “làm dâu trăm họ”. Cùng những câu chuyện tưởng chỉ có đùa, hóa ra lại là thật, ví như chó cắn cũng gọi công an, uống rượu say nửa đêm về nhà bị vợ mắng cũng gọi công an...

Mai Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tap-huan-ky-nang-ve-phong-chong-ma-tuy-va-bat-nat-hoc-duong-cho-hon-1800-em-hoc-sinh_154018.html