Tập đoàn Hòa Phát: Có thể mở lại lò cao cuối cùng trong quý 3, lợi nhuận quý 2 tiếp tục được cải thiện

Tập đoàn Hòa Phát có thể mở lại lò cao cuối cùng trong quý này, chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường hồi phục. Lợi nhuận quý 2/2023 của tập đoàn này được kỳ vọng tiếp tục được cải thiện nhờ diễn biến chi phí đầu vào thuận lợi.

KB Securities (KBS) nhận định Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu: HPG – sàn: HoSE) sẽ dần mở lại lò cao cuối cùng tại Dung Quất trong quý 3 này khi thị trường thép đang trong quá trình hồi phục.

Theo KBS, tới tháng 5/2023, Tập đoàn Hòa Phát đang hoạt động 6/7 lò luyện thép, bao gồm: 3 lò BOF tại Hải Dương, 3 lò BOF tại Dung Quất và 1 lò EAF tại Hưng Yên, với công suất hoạt động ước đạt 85% tổng công suất thiết kế. Sản lượng sản xuất trong tháng 5/2023 của tập đoàn này đạt mức cao nhất từ tháng 10/2022 đến nay.

Tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trung bình 3 tháng của Tập đoàn Hòa Phát đang có xu hướng tăng (biểu đồ bên trái). Trong khi đó, công suất hoạt động trong tháng 5/2023 đã lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, chi phí để khởi động lại lò cao sau khi tạm dừng hoạt động là khoảng 30-40 tỷ đồng/lò. Tuy vậy, doanh nghiệp trước đó không đóng hoàn toàn các lò cao, mà duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể. Nhờ vậy, quá trình khởi động lại lò cao lần này sẽ được rút ngắn.

Trước đó, tập đoàn này đã có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương kể từ tháng 11/2022. Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh được tiếp tục duy trì. Động thái này được Tập đoàn Hòa Phát nhận định là để "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Một số dấu hiệu cho thấy Tập đoàn Hòa Phát đang tích cực chuẩn bị cho sự hồi phục của thị trường với việc liên tục gia tăng hàng tồn kho thành phẩm từ đầu năm tới nay

Thị trường hiện được kỳ vọng sẽ hồi phục rõ rệt trong nửa cuối năm nay khi sản lượng tiêu thụ tăng và giá thép được giữ ổn định, tiến tới tăng trở lại.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép sẽ hồi phục với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay. Nếu loại trừ các đơn hàng xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) tăng đột biến trong tháng 4 và tháng 5/2023 thì sức tiêu thụ toàn ngành thép trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì ở mức yếu. Nhưng xu hướng tăng ở nhu cầu tiêu thụ từ đầu năm tới nay đang dần được củng cố.

KBS cho biết, theo kịch bản cơ sở, sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép sẽ hồi phục mạnh vào cuối quý 3/2023 và đầu quý 4/2023, trước khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa tuy còn ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng từ đầu năm tới nay. (Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam, FiinPro, KBSV tổng hợp)

Xem thêm bài viết: "Ngành Thép - Liệu những gì khó khăn nhất đã ở lại phía sau?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đồng thời, giá thép ổn định trong nửa cuối năm nay và có thể quay lại tăng trưởng từ năm 2024. Giá thép được kỳ vọng sẽ giữ ổn định khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường quốc tế vẫn ở mức yếu, khiến cho giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc, thép phế liệu) giảm mạnh về vùng đáy 5 năm; đồng thời, giá thép xây dựng và giá thép HRC tại Việt Nam (đi cùng với diễn biến chi phí đầu vào) cũng đã giảm về vùng trung bình 5 năm trong bối cảnh sức tiêu thụ nội địa còn yếu.

Diễn biến chi phí đầu vào và giá bán các sản phẩm thép được kỳ vọng sẽ đi ngang và ổn định trong nửa cuối năm 2023, trước khi tăng trở lại trong 2024 khi nhu cầu được cải thiện tại các thị trường quốc tế. Theo KBS, trong kịch bản tích cực, giá thép có thể tăng mạnh hơn ngay trong giai đoạn cuối năm nay nếu như nền kinh tế Trung Quốc quay trở lại tăng trưởng trong quý 4/2023.

So sánh mức tăng/giảm của các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép và mức tăng/giảm của giá bán các loại thép thành phẩm trong quý 2/2023 với quý 1/2023. (Nguồn: Bloomberg, KBSV tổng hợp)

Lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong quý 2/2023 khi chi phí đầu vào đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán thép thành phẩm có tốc độ giảm chậm hơn.

Cụ thể, giá quặng sắt, than cốc và thép phế trong quý 2/2023 đã lần lượt giảm 10%, 44% và 18% so với quý 1/2023. Trong khi đó, giá thép xây dựng và giá thép HRC tại Việt Nam chỉ lần lượt giảm 6% và giảm 15% so với quý 1/2023. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục cải thiện biên lãi gộp trong quý 2/2023.

Trong quý 1/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận lợi nhuận dương trở lại nhờ hoàn nhập 928 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho, giúp biên lãi gộp tăng từ 3% lên 6%. Đồng thời, việc cắt giảm hoạt động 4 lò cao tại Hải Dương và Dung Quất trong quý 1/2023 cũng giúp tiết giảm đến 28% chi phí SG&A (chi phí bán hàng trực tiếp và gián tiếp, quản lý doanh nghiệp) so với quý 4/2022. Ngoài ra, giá thép trong quý 1/2023 cũng tăng nhẹ nhờ kỳ vọng kinh tế hồi phục tại Trung Quốc.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tap-doan-hoa-phat-co-the-mo-lai-lo-cao-cuoi-cung-trong-quy-3-loi-nhuan-quy-2-tiep-tuc-duoc-cai-thien-107027.htm