Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Mấy năm qua, bà Lê Thị Điền (53 tuổi, ngụ ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) phát triển nghề đan lục bình và tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ tại địa phương. Từ đó, các chị em có thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình.

Những ngày tháng 11/2023, trong ngôi nhà của bà Điền, hơn 10 phụ nữ cần mẫn tách từng sợi lục bình khô đan thành những chiếc giỏ, khay, kệ xinh xắn. Bà Điền cho biết, trước đây, bà chỉ biết làm ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” rất vất vả nhưng thu nhập không là bao. Với mong muốn thay đổi cuộc sống, năm 2017, thông qua người quen, bà học nghề đan lát và bắt đầu nhận đơn hàng các sản phẩm từ lục bình về nhà làm.

Cơ sở của bà Lê Thị Điền giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Nhờ khéo tay, làm ăn uy tín, đơn hàng của bà Điền ngày càng nhiều. Thấy những phụ nữ trong xã chưa có việc làm, bà gợi ý dạy họ đan lục bình và trả lương theo sản phẩm. “Trung bình mỗi ngày, các chị em có thêm thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/người. Số tiền tuy không nhiều nhưng họ vừa có thể chăm sóc gia đình, vừa đan lục bình trong lúc rảnh rỗi” - bà Điền nói.

Kể về duyên nghề, bà Điền bồi hồi vì không nghĩ mình có thể làm được. “Khi tạo việc làm cho chị em, tôi rất lo lắng vì đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ nhận đan giỏ xong cái nào thì phải trả tiền liền cái đó. Trong khi tôi chưa có đủ vốn để trả công. Qua sự giới thiệu của địa phương, tôi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, tôi vừa có tiền trả lương cho lao động, vừa mua thêm nguyên, vật liệu” - bà Điền bộc bạch.

Nhờ có công việc đan các sản phẩm từ lục bình, cuộc sống chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu ổn định hơn trước. Chị Giàu chia sẻ, chị quê ở tỉnh Bến Tre, theo chồng về sinh sống tại xã Long Thạnh, cuộc sống cũng không mấy dư dả. Lúc đầu, chị làm công nhân. Sau đó, chị có con nhỏ, rồi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty không có đơn hàng, chị phải nghỉ việc.

Qua tìm hiểu, chị đến nhận hàng tại cơ sở đan lục bình của bà Điền và làm đến nay được 2 năm. “Đan sản phẩm từ lục bình cũng rất đơn giản, dễ học. Tôi được hướng dẫn trong vài giờ là có thể làm được. Tôi có thể nhận hàng về nhà tự làm hoặc đến nhà cô Điền làm. Thời gian thì không gò bó, miễn mình có thể giao đủ hàng nên tôi có thể vừa làm, vừa đưa rước con đi học và lo cơm nước trong gia đình. Công việc này làm liên tục nên thu nhập cũng ổn” - chị Giàu kể.

Hiện cơ sở đan lục bình của bà Điền có hơn 50 phụ nữ tham gia, trong đó có nhiều người khuyết tật và cao tuổi.

Đan lục bình giờ đây không còn xa lạ với mọi người. Các sản phẩm đan từ lục bình có nhiều mẫu mã đẹp, tinh tế lại thân thiện với môi trường, được nhiều người ưa chuộng. Phát triển mô hình đan lát lục bình không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn hạn chế tình trạng lục bình trôi nổi trên sông, góp phần bảo vệ môi trường.

Thông tin từ UBND xã Long Thạnh, mô hình đan các sản phẩm từ lục bình của bà Lê Thị Điền góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo điều kiện để địa phương đạt các tiêu chí trong lộ trình “về đích” xã nông thôn mới năm 2023./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tao-viec-lam-cho-phu-nu-nong-thon-a167463.html