Khai mở chuỗi cung ứng xanh vùng Đồng bằng sông Hồng

Với lợi thế về vị trí địa lý cùng hạ tầng giao thông đồng bộ, Đồng bằng sông Hồng đang là điểm đến tiềm năng được các 'đại bàng' FDI săn đón, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Khu công nghiệp Phố Nối - Hưng Yên. Ảnh: Hòa Phát.

Khu công nghiệp Phố Nối - Hưng Yên. Ảnh: Hòa Phát.

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 6,42% diện tích cả nước với khoảng 21.278 km. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam và ASEAN trong kết nối kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường lớn nhất của khu vực.

Về hạ tầng kỹ thuật, so với các vùng kinh tế khác trong cả nước, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều thuận lợi khi sở hữu đầy đủ các loại hình giao thông hạ tầng giao như đường bộ, đường thủy, đường hàng không, cảng biển và đặc biệt là có hệ thống đường sắt kết nối nhiều địa phương trong vùng.

Những năm gần đây, sự cải thiện rõ nét về hạ tầng giao thông với các tuyến đường cao tốc hiện đại, kết nối các trung tâm sản xuất công nghiệp với cảng biển và cửa khẩu phía Bắc đã đáp ứng nhu cầu của sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại khu vực này.

Song hành với sự phát triển về hạ tầng là thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã dần hình thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng ở phía Bắc.

Với sự có mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, vùng Đồng bằng sông Hồng đang là căn cứ địa cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt nơi đây còn hội tụ nhiều "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic…

Sở hữu những lợi thế trên, vùng Đồng bằng sông Hồng được đánh giá có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, tiến tới thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghệ cao, tạo ra nguồn hàng lớn và ổn định phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

Mặt khác, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được xem là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tạo đà cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển…

“Khai mở chuỗi cung ứng xanh vùng Đồng bằng sông Hồng” là chủ đề của chuỗi các hoạt động sự kiện do Liên minh G20 phối hợp với các cơ quan tổ chức, với hàng loạt các chuyên đề liên tiếp được thực hiện từ nay tới cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh G20 cho biết, Liên minh Công nghiệp G20 đặt mục tiêu trở thành một thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế, tham gia vào những dự án quy mô quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh G20. Ảnh: Thảo Ngân - - Mekong ASEAN.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh G20. Ảnh: Thảo Ngân - - Mekong ASEAN.

Trong kế hoạch, Liên minh công nghiệp G20 cũng sẽ tổ chức định kỳ các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác.

Hiện Liên minh Công nghiệp G20 đang tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các cụm công nghiệp Hưng Yên, cụm công nghiệp Sóc Đăng, Phú Thọ cùng với những cam kết đưa ra giải pháp đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái công nghiệp của địa phương.

Các lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp này gồm: Công nghiệp hỗ trợ khuôn mẫu, thiết bị điện tử, điện lạnh, công nghệ mới, cơ khí chính xác, linh kiện máy móc, vật liệu composite, vật liệu dẻo, siêu bền và nhẹ, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm phụ liệu dệt may, dịch vụ kho vận, ô tô, xe máy và phụ tùng ô tô xe máy…

“Cơ hội sở hữu nhà máy tiêu chuẩn xanh ngành điện tử tiêu dùng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, sẽ là chuyên đề đầu tiên trong chuỗi sự kiện “Khai mở chuỗi cung ứng xanh vùng đồng bằng sông Hồng”, được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lễ ký kết giữa Liên minh công nghiệp G20 với các đối tác. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Lễ ký kết giữa Liên minh công nghiệp G20 với các đối tác. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Nội dung chuyên đề sẽ tập trung vào nhận định thực trạng và cơ hội thị trường điện tử tiêu dùng, tiếp cận những giải pháp và gói đầu tư nhà máy điện tử tiêu dùng xanh, những chính sách hấp dẫn từ tỉnh Hưng Yên và các nhà phát triển khu công nghiệp cùng những hỗ trợ đầu tư khác…

Sự kiện “Khai mở chuỗi cung ứng xanh vùng đồng bằng sông Hồng” sẽ được tổ chức 4 tại Tòa nhà văn phòng Vinata, 289 Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội

Thông tin chi tiết và đăng ký tham gia tại https://forms.gle/CoHCk6S3u1hSgg738 (Hotline: 08 8608 8609).

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khai-mo-chuoi-cung-ung-xanh-vung-dong-bang-song-hong-post34834.html