Tạo sự đồng thuận khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Triệu Phong

Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; Kế hoạch số 86- KH/TU ngày 7/5/2018 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15/6/2018 về ban hành đề án sắp sếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, đến thời điểm này, huyện Triệu Phong đã hoàn thành công tác sáp nhập thôn, khu phố trên địa bàn và đang triển khai phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Việc sáp nhập này sẽ giúp bộ máy quản lí ở cơ sở tinh gọn, giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đường về xã Triệu Đông hôm nay

Huyện Triệu Phong có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và 1 thị trấn, trong đó có 5 đơn vị hành chính loại 3 và 14 đơn vị hành chính loại 2. Các đơn vị hành chính cấp xã đã hình thành từ lâu đời qua các thời kì gắn liền với lịch sử truyền thống của từng vùng nên cơ bản ổn định, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện có diện tích nhỏ, dân số thấp nhưng vẫn được bố trí đầy đủ các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách đã làm tăng tỉ lệ người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp. Mặt khác, do quy mô diện tích nhỏ nên không gian phát triển của các xã nói trên gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu hút một số dự án cần diện tích lớn để sản xuất, kinh doanh; các xã nhỏ cũng không hỗ trợ nhau phát huy được thế mạnh của mình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xã Triệu Thành là một trong những xã có quy mô diện tích và dân số thấp nhất huyện Triệu Phong với tổng diện tích tự nhiên là 2,49 km2 , dân số toàn xã 3.434 người. Đối chiếu với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì xã Triệu Thành thuộc diện phải sắp xếp do diện tích và dân số chỉ đạt 8,3% và 42,93% so với tiêu chuẩn quy định (tiêu chuẩn là 30 km2 và 8.000 người). Còn xã Triệu Đông có diện tích 5,97 km2 , dân số toàn xã 4.536 người đạt 19,9% tiêu chuẩn diện tích và 56,7% tiêu chuẩn dân số so với quy định. Theo phương án số 2044/PA-UBND ngày 14/8/2019 của UBND huyện Triệu Phong thì đơn vị hành chính xã Triệu Thành sẽ được sáp nhập vào xã Triệu Đông thành đơn vị hành chính mới có tên gọi là xã Triệu Thành. Theo phương án này, mặc dù sau khi tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính mới chỉ có diện tích là 8,46 km2 , đạt 28,2% so với tiêu chuẩn quy định; nhưng về dân số đã là 7.970 người, đạt 99,63% so với quy định. Nếu sáp nhập thêm một xã liền kề khác như Triệu Tài hoặc Triệu Long để đảm bảo về quy mô diện tích thì sẽ kéo theo dân số của đơn vị hành chính mới sẽ cao hơn nhiều so với quy định gây khó khăn trong công tác quản lí, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Mặt khác, việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Triệu Thành với xã Triệu Đông là phù hợp với truyền thống và lịch sử của hai đơn vị do trước tháng 4/1976 xã Triệu Thành và xã Triệu Đông hiện nay là một xã với tên gọi là xã Triệu Thành. Theo kế hoạch, sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới trước mắt vẫn tiếp tục sử dụng hai trụ sở cũ của hai đơn vị trước đây để làm việc, trong đó sử dụng trụ sở của xã Triệu Thành làm trụ sở chính của đơn vị hành chính mới.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông Võ Văn Bắc cho biết, lúc đầu triển khai không chỉ người dân mà cán bộ cũng nảy sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khó khăn mấy cũng phải quyết tâm thực hiện. Sau khi tiếp nhận sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, địa phương đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi rên hệ thống truyền thanh; phân công các thành viên trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã, các thành viên UBND xã trực tiếp về tận khu dân cư để triển khai phương án và phát phiếu lấy ý kiến tới từng hộ gia đình. Qua lấy ý kiến cử tri hơn 98,5% người dân xã Triệu Đông đồng ý phương án sáp nhập và 99,8% đồng ý lấy tên đơn vị hành chính mới là xã Triệu Thành. Tuy nhiên, về trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới đại đa số các cử tri đề nghị chỉ nên lấy một địa điểm và đặt tại trụ sở của UBND xã Triệu Đông.

Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Đông Võ Văn Bắc, qua lấy ý kiến cử tri có hơn 99% người dân đề nghị chỉ nên lấy một trụ sở làm việc và đặt tại trụ sở UBND xã Triệu Đông. Nguyên nhân là do bên cạnh thuận lợi cho việc giao dịch của người dân, đại đa số cán bộ và cử tri có ý kiến xã Triệu Thành là đơn vị sáp nhập vào xã Triệu Đông vì vậy xã mới sau khi sáp nhập đã lấy tên là xã Triệu Thành thì việc đặt trụ sở tại xã Triệu Đông là phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa hai địa phương, sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân hai xã sau khi sáp nhập. Mặt khác, địa điểm này có trục đường ĐH 37 từ xã Triệu Thành về Triệu Đông đang thi công nên thuận lợi cho việc giao dịch đơn vị hành chính mới. Cũng theo các cử tri, trụ sở xã Triệu Thành là địa điểm sát thị xã Quảng Trị, nếu sau khi thị xã Quảng Trị mở rộng có thể nhập một phần phía Nam của xã Triệu Thành, trụ sở tại địa điểm này có thể bán đấu giá cao hơn trụ sở tại xã Triệu Đông.

Cũng theo ông Võ Văn Bắc, cùng với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, việc tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. “Địa phương đã tiến hành rà soát đánh giá, phân loại cán bộ công chức để xây dựng phương án sắp xếp, xác định vị trí việc làm. Riêng với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, cán bộ trong diện phải nghỉ, diện phải về trước tuổi, UBND xã đã có văn bản đề nghị cấp trên có chính sách bố trí cán bộ phù hợp, chính sách hỗ trợ cụ thể để động viên, ổn định cuộc sống”, ông Bắc cho hay.

Có thể nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Triệu Thành với xã Triệu Đông là phù hợp, từ đó có thể tổ chức sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và giảm được số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách đang hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp từ ngân sách. Đồng thời sau khi sáp nhập thì quy mô diện tích tăng lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, thu hút sự đầu tư của các dự án về sản xuất nông nghiệp cần diện tích lớn cũng như một số ngành nghề khác sẽ tạo việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, số lượng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là việc làm cần thiết nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chung.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141794