Chú trọng nguồn lực để vận hành hiệu quả Cơ chế một cửa ASEAN

Dù đang thu được nhiều kết quả tích cực, song quá trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đang ghi nhận một số vấn đề cần giải quyết, nhằm đem lại hiệu quả cũng như đảm bảo sẵn sàng cho việc thực hiện hải quan số.

Công chức hải quan xử lý các thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Hồng Vân

Công chức hải quan xử lý các thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Hồng Vân

Trao đổi thông tin với 8 nước ASEAN

Với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã tham gia việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) từ thời điểm hình thành ý tưởng, xây dựng cơ sở pháp lý, nội luật hóa cam kết khu vực, cho đến khi 10 nước thành viên chính thức kết nối vào năm 2020.

Theo ông Phạm Duyên Phương - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), để hình thành ASW, Việt Nam đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) từ năm 2014 và trở thành một trong 5 nước thành viên đầu tiên kết nối ASW vào năm 2018.

Rà soát các thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, cấp phép đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế trong năm 2024…

Tính đến hết 30/4/2024, NSW đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 70.538 doanh nghiệp. Thông qua NSW, hàng triệu bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên môi trường điện tử góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thông quan.

Về ASW, Việt Nam đã chính thức công nhận C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) điện tử Form (mẫu) D. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai kết nối và trao đổi tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) với các nước thành viên và dự kiến sẽ hoàn thành trao đổi thông tin này với 8 nước thành viên (trừ Lào chưa tham gia) trước tháng 6/2024.

Những kết quả triển khai ASW là tiền đề hết sức quan trọng để Việt Nam chính thức kết nối và công nhận C/O điện tử Form AK và Form VK trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Việt Nam - Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã kết nối và trao đổi tờ khai hải quan xuất khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, trước mắt với Hải quan Liên bang Nga.

Hiện tại, Việt Nam đang mở rộng đàm phán trao đổi C/O với Liên minh kinh tế Á - Âu; chứng nhận kiểm dịch với New Zealand; tiếp tục mở rộng trao đổi thông tin với các đối tác thương mại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc...

Giải bài toán con người

Dù vậy, quá trình thực hiện cơ chế một cửa đang ghi nhận một số vấn đề cần giải quyết. Trong đó, vấn đề về nguồn lực con người luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, mặc dù thuê các đơn vị ngoài phát triển các hệ thống đang là xu hướng chung trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, song không vì thế mà vai trò của bộ phận chuyên sâu về công nghệ thông tin (trong các cơ quan nhà nước) suy giảm.

Trước đây, bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước sẽ đảm nhiệm hầu hết các khâu trong phát triển ứng dụng nhưng với xu hướng hiện nay, nhiệm vụ của bộ phận này sẽ khác đi. Nhân lực về công nghệ thông tin sẽ chuyển sang tham gia vào quá trình xây dựng quy trình nghiệp vụ để đảm bảo tính kết nối, khả thi khi ứng dụng công nghệ. Cũng chính bộ phận này phải có đủ kiến thức cả về công nghệ lẫn nghiệp vụ để đặt yêu cầu, phân tích, thiết kế, giám sát hoạt động của đối tác, nhà thầu đảm bảo bám sát yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ, chất lượng của sản phẩm khi bàn giao, đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ đòi hỏi nhân lực với các kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng về phân tích dữ liệu; kỹ năng về quản trị dữ liệu (khác với kỹ năng về quản trị hệ thống). Các nhân sự này có thể nằm tại bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin và cũng có thể được đưa về các đơn vị nghiệp vụ.

Tuy nhiên, một mặt, biên chế cho đội ngũ này rất hạn chế, thậm chí, ngay cả khi bố trí được biên chế thì rất khó tuyển dụng. Mặt khác, tình trạng chảy máu chất xám trong lĩnh vực này tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cán bộ làm công tác công nghệ thông tin có chuyên môn và giàu kinh nghiệm, đang rất phổ biến.

Bên cạnh nhân lực, cần giải quyết việc không thể thực hiện giao dịch, thủ tục phi giấy tờ trên nền tảng hồ sơ, chứng từ nửa thủ công, nửa điện tử. Nói cách khác, môi trường hành chính, thương mại phi giấy tờ đầy đủ có được khi và chỉ khi toàn bộ hồ sơ, chứng từ được nộp, chia sẻ dưới hình thức dữ liệu số và được pháp luật công nhận.

Công tác quản trị, vận hành các hệ thống thông tin cũng như cung cấp dịch vụ hỗ trợ và tiện ích cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tác động đến từ việc tốc độ phát triển của công nghệ đã vượt khỏi các quy luật phát triển thông thường cũng cần được quan tâm. Điều này đòi hỏi phải quy hoạch ứng dụng và xác định quy mô nghiệp vụ, yêu cầu kỹ thuật một cách hợp lý để có thể đưa hệ thống vào hoạt động trong thời gian ngắn nhất, tránh kéo dài quá trình phát triển ứng dụng dẫn đến hậu quả là sự lạc hậu về công nghệ áp dụng khi đưa hệ thống vào sử dụng.

Cơ chế một cửa ASEAN có ý nghĩa quan trọng để thực hiện hải quan s

Trong bối cảnh Chính phủ đang hết sức quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong các cơ quan chính phủ, phát triển xã hội số, kinh tế số, việc triển khai ASW càng hết sức có ý nghĩa.

Trên phương diện vĩ mô, nội hàm cơ bản trong triển khai ASW hoàn toàn tương đồng với những nội hàm của chuyển đổi số. Đó là, thực hiện giao dịch phi giấy tờ dựa trên khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử; thông qua nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu số, chứng từ điện tử.

Dưới góc nhìn của cơ quan hải quan, ASW có mối quan hệ mật thiết với thực hiện Hải quan số. Trước hết, để thực hiện ASW, cần phải triển khai đầy đủ NSW. Khi đó, một mặt, đây sẽ là nguồn dữ liệu số quan trọng để nâng cao mức độ tự động hóa của hệ thống thông quan, thực hiện thủ tục hải quan phi giấy tờ, hình thành kho dữ liệu về giao dịch thương mại, vận tải xuyên biên giới của Việt Nam.

Mặt khác, quá trình triển khai NSW cũng chính là quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử, những thành phần quan trọng, không thể thiếu được và có tính quyết định tới sự thành công của chuyển đổi số nói chung và hải quan số nói riêng.

Khi đã sẵn sàng về dữ liệu, cơ sở hạ tầng và nền tảng pháp luật, Việt Nam sẽ chủ động trong việc đưa ra các sáng kiến cũng như tham gia vào các thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại dựa trên giao dịch phi giấy tờ, công nhận lẫn nhau về chứng từ điện tử... không chỉ bó hẹp trong ASEAN mà còn mở ra với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN.

Ngoài ra, khi tham gia ASW, Việt Nam sẽ được các nước thành viên chia sẻ các thông tin, dữ liệu liên quan đến giao dịch xuất nhập khẩu; chứng từ vận tải xuyên biên giới. Đây là nguồn thông tin hết sức quý báu để các cơ quan chính phủ phân tích, dự báo, xác định trọng điểm và các rủi ro có thể ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và của cộng đồng. Như vậy, có thể nói, việc triển khai ASW (trong đó bao gồm triển khai đầy đủ NSW) là một trong những nội hàm quan trọng đảm bảo thành công cho thực hiện toàn diện hải quan số.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-trong-nguon-luc-de-van-hanh-hieu-qua-co-che-mot-cua-asean-151029-151029.html