Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Qua đó, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo những ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 thường xuyên được thực hành để nâng cao kỹ năng nghề. Ảnh: Kim Ly

Trường cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 đang đào tạo 28 ngành, nghề các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và 6 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ ASEAN và 3 nghề cấp độ quốc gia. Mỗi năm, trung bình nhà trường tuyển sinh khoảng 700-900 sinh viên; 100% sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định với mức lương 6-12 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Dương Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế, tuyển sinh và gắn kết doanh nghiệp, Trường cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 cho biết: "Để kịp thời cung ứng nguồn lao động chất lượng cho thị trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng chất lượng đầu ra, căn cứ nhu cầu, yêu cầu thực tế sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo của thị trường lao động.

Liên kết với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện để 100% học sinh, sinh viên được đi trải nghiệm, thực tập, tiếp cận với hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại của các doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo; hợp tác với các trường đại học của Đài Loan, Đức, Hàn Quốc… trong triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đồng thời, nhà trường huy động các nguồn lực đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, nhà trường đang xây dựng nhà thực hành công nghệ cao và khu thực hành thiết bị cơ giới hóa trị giá gần 70 tỷ đồng.

Để phát triển và nâng cao chất lượng GDNN, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về GDNN; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm và ngoại ngữ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Các cơ sở GDNN chủ động xây dựng kế hoạch, đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, gắn đào tạo với thị trường lao động, đặc biệt tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn của tỉnh; tập trung tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh THCS tham gia học nghề; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo.

Đặc biệt, một số cơ sở GDNN đã hợp tác với các nước phát triển, triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn khu vực và quốc tế đối với một số ngành, nghề như điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn… Tiêu biểu như Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có 33 cơ sở GDNN với gần 2.000 cán bộ, giáo viên, trong đó, hơn 70% đạt trình độ từ đại học trở lên. Quy mô đào tạo GDNN từng bước được mở rộng, chất lượng GDNN ngày càng được nâng lên.

Năm 2022, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh mới gần 29.000 chỉ tiêu, trong đó, trình độ cao đẳng hơn 1.500 chỉ tiêu, trình độ cao đẳng chất lượng cao 280 chỉ tiêu; trình độ trung cấp gần 6.000 chỉ tiêu; trình độ sơ cấp hơn 21.000 chỉ tiêu, vượt kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS vào học trường THPT công lập năm học 2023-2024 đạt 64%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề được đào tạo trong vòng 1 năm kể từ khi tốt nghiệp đạt hơn 80%, trong đó các nghề trọng điểm đạt hơn 90%.

Nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc tối thiểu có 40% học sinh sau THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN; có 1 cơ sở GDNN chất lượng cao; có khoảng 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1-2 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN; đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Để hoàn thành các mục tiêu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ban, ngành tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN; tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN.

Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN thuộc tỉnh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về GDNN; tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho GDNN…

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96465//tao-dot-pha-phat-trien-nguon-nhan-luc