Phản ứng của nhiều doanh nghiệp sau khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc

Công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Samsung (Hàn Quốc) đang yêu cầu các nhà cung cấp ôtô đưa ra những lựa chọn sản xuất ngoài thị trường Trung Quốc do lo ngại mức thuế cao hơn của Mỹ.

Công nhân kiểm tra các cuộn thép tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công nhân kiểm tra các cuộn thép tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố tăng thuế đối với ôtô điện, pin xe điện và vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp ở châu Á chuẩn bị giải pháp ứng phó với động thái trên.

Theo tờ Nikkei Asia, công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Samsung (Hàn Quốc) đang yêu cầu các nhà cung cấp ôtô đưa ra những lựa chọn sản xuất ngoài thị trường Trung Quốc do lo ngại mức thuế cao hơn của Mỹ.

Samsung cung cấp các module và giải pháp điện tử cho nhiều ứng dụng ôtô khác nhau, với những liên kết chuỗi cung ứng quan trọng ở Trung Quốc. Hiện Samsung chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Hãng cung cấp thiết bị điện tử ôtô Liteon Technology của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã xây dựng một nhà máy ở Dallas, Texas (Mỹ) để giúp khách hàng tránh bị ảnh hưởng do tăng thuế.

Theo Giám đốc điều hành Liteon Technology Anson Chiu, ngành chế tạo ôtô đã dự đoán trước Mỹ sẽ tăng thuế và đã chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Đối với pin xe điện và vật liệu pin, khó đánh giá tác động của thuế nhập khẩu cao hơn do Mỹ vẫn cho phép trợ cấp đối với một số nhà sản xuất pin, ngay cả khi họ sử dụng nhà cung cấp Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế trưởng Lu Ting của tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura, “Mỹ chiếm 20,8% lượng xuất khẩu pin lithium của Trung Quốc vào năm 2023, vì vậy việc Mỹ tăng thuế sẽ có tác động rõ ràng.”

Nếu châu Âu cũng có hành động tương tự Mỹ, xung đột thương mại gia tăng có thể cản trở xuất khẩu, tạo ra nhiều làn sóng di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc về lâu dài. Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp quan ngại khả năng Trung Quốc có biện pháp đáp trả thuế quan.

Ông Ryuta Morishima, Giám đốc điều hành Hiệp hội chuỗi cung ứng pin của Tập đoàn công nghiệp Nhật Bản, hay còn gọi là BASC, cho rằng việc tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc có thể cản trở hoạt động sản xuất xe điện của Nhật Bản ở Bắc Mỹ và các nơi khác, do các mỏ than chì và các vật liệu cần thiết khác cho pin xe điện, cũng như các nhà máy tinh luyện niken và lithium, thường được đặt tại Trung Quốc. Hiện BASC đang theo dõi chặt chẽ khả năng Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu.

Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản có năng lực lắp ráp tại Mỹ song lại có nguồn cung trên toàn cầu, trong đó có cả những doanh nghiệp Trung Quốc hoặc có liên kết với Trung Quốc. Nhưng một số nhà sản xuất lại đánh giá cao động thái trên của Mỹ.

Các nhà sản xuất pin và ô tô Hàn Quốc cho rằng động thái trên sẽ giúp giảm sự cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tăng thuế đối với xe điện, chip và hàng loạt mặt hàng khác từ Trung Quốc, đồng thời giữ nguyên lệnh áp thuế dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Nhà Trắng ngày 14/5 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng mạnh thuế đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%.

Các biện pháp đánh thuế mới sẽ tác động đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thép, nhôm, chất bán dẫn, pin, khoáng sản quan trọng, pin Mặt trời và cổng trục giàn (cẩu chuyên dùng để nâng hạ, xếp dỡ container tại các cảng biển, bến bãi).

Cụ thể, theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, Mỹ tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin Mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.

Thuế đối với cổng trục giàn tăng từ 0% lên 25%, với ống và kim tiêm tăng từ 0% lên 50%, một số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sử dụng trong các cơ sở y tế tăng từ 0% lên 25%. Vào năm 2025, thuế với chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi lên 50%.

Ngoài ra, ông Biden giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm là Donald Trump đưa ra. Theo số liệu chính thức của Washington, Mỹ nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 148 tỷ USD sang thị trường này vào năm 2023.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết việc điều chỉnh thuế quan là hợp lý vì Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và trong một số trường hợp, đã trở nên "mạnh bạo hơn" trong các cuộc tấn công mạng nhắm vào công nghệ Mỹ.

Bà Katherine Tai cho biết thuế quan "Mục 301" trước đó có tác động tối thiểu đến giá cả và việc làm trên toàn nền kinh tế Mỹ, nhưng đã hiệu quả trong việc giảm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ, đồng thời tăng nhập khẩu từ các nước khác.

Tuy nhiên, bà Tai khuyến nghị miễn thuế đối với hàng chục loại máy móc công nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm 19 loại cho thiết bị sản xuất sản phẩm năng lượng Mặt trời.

Các quan chức Mỹ cho biết loạt biện pháp "được nhắm mục tiêu cẩn thận", kết hợp với chính sách đầu tư trong nước và phối hợp với đồng minh thân cận, không có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tại nước này. Họ cũng hạ thấp nguy cơ Trung Quốc có hành động đáp trả.

Nhiều chuyên gia cảnh báo xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng chi phí sản xuất xe điện nói chung, làm tổn hại tới những mục tiêu khí hậu và tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất mà ông Biden nêu ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phan-ung-cua-nhieu-doanh-nghiep-sau-khi-my-tang-thue-doi-voi-hang-hoa-trung-quoc-post951034.vnp