Tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững

Đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công đang dần thu hẹp để phục vụ các công trình, dự án. Để nâng cao năng suất cũng như thúc đẩy nông nghiệp phát triển, cùng với việc vận động người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thành phố đã triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, giúp nông dân từng bước xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Mô hình trồng rau màu trong nhà lưới của gia đình chị Trương Thị Bích, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Là một trong những hộ dân tiên phong trồng rau màu trong nhà lưới tại T.P Sông Công, chị Trương Thị Bích, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, chia sẻ: Năm 2020, được thành phố hỗ trợ 85 triệu đồng, tôi đã đầu tư thêm hơn 200 triệu đồng lắp đặt 1.200m2 nhà lưới để trồng rau màu. Phương pháp này đã giúp tăng hệ số sử dụng đất, nhờ chủ động được thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết; giúp giảm chi phí phân bón do đất không bị rửa trôi, đồng thời tăng thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/sào/lứa so với sản xuất ở điều kiện bình thường.

Từ mô hình của gia đình chị Bích, hiện nay, phường Lương Sơn đã nhân rộng thêm 2 mô hình nhà lưới với diện tích từ 100-150m2 để trồng hoa màu.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công, cho biết: Xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hằng năm, cùng với việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, thành phố đã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tập huấn, hội nghị đầu bờ giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật trong canh tác, từ đó dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả.

Trong 5 năm gần đây, T.P Sông Công đã phối hợp triển khai 8 dự án, 19 mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi; tổ chức trên 500 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp với hơn 26.000 lượt người tham gia. Riêng trong năm 2021, thành phố bố trí kinh phí hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ lắp đặt 3 nhà lưới trồng rau, hoa với tổng diện tích 2.500m2; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đối với 20ha cây ăn quả, cây chè; cấp phân bón vi sinh cho 12ha vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Bình Sơn và Tân Quang; hỗ trợ cây giống thực hiện trồng mới và trồng lại chè 14ha…

Là địa phương có diện tích chè lớn của thành phố với diện tích khoảng 100ha, thời gian qua, người dân xã Bá Xuyên đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, việc cơ giới hóa khâu làm đất, đốn chè trên địa bàn đạt trên 95%; diện tích chè sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đạt trên 50%... Theo ông Đồng Văn Hợp, ở xóm Ao Cang, xã Bá Xuyên, khi áp dụng hệ thống tưới tự động trên 3 sào chè, lượng nước có thể điều chỉnh phù hợp, tưới phun sương nên rất đồng đều. Qua đó, gia đình ông tiết kiệm 30-50% lượng nước tưới so với cách làm truyền thống. Nhờ đó, năng suất chè trong vụ đông tăng 3-5kg/lứa.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tính hết năm 2021, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt của T.P Sông Công đạt 116 triệu đồng, tăng 4,5% so với năm 2020; 10ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP; 4 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao...

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, năm 2022, T.P Sông Công dành hơn 5,3 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Theo đó, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao là 50 triệu đồng/sản phẩm, 5 sao là 100 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thỏ là 400 triệu đồng/mô hình, từ chè 500 triệu đồng/mô hình, từ gia cầm và lợn 500 triệu đồng/mô hình...

Những giải pháp cụ thể, chính sách hỗ trợ kịp thời của T.P Sông Công chính là động lực để nông dân tiếp tục xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh có cơ hội phát triển sản phẩm, tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững...

Trịnh Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/tao-da-cho-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-299820-108.html