Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành hàng trăm nghìn USD giả

Búp mua 440.000 đô la Mỹ giả ở chợ Ô Sây, TP Prom Pênh, Campchia rồi đóng vào thùng catton, thuê xe ôm chở thùng tiền qua biên giới Campuchia – Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ngày 19/3, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử đối với Huỳnh Thị Búp (SN 1973, cư trú TP Prôm Pênh, Campuchia), Đặng Thị Thúy Vân (SN 1979, ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM), Đinh Xuân Tiến (SN 1982, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Văn Hùng (SN 1968, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), Đàm Mai Tất Đạt (SN 1991, ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM), Nguyễn Tiến Quân (SN 1979, ở phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) và Trần Đăng Quãng (ở quận Gò Vấp, TPHCM) về tội Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Trước đó, vào hồi 11h30 ngày 24/6/2022 tại quán cà phê Gemini (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tổ công tác Công an TP Hà Nội phát hiện Đinh Xuân Tiến có hành vi tàng trữ, lưu hành 102.300 USD giả (mệnh giá 100 USD/tờ). Tiến khai nhận, số tiền giả trên mua từ Vân ở TPHCM và dự định bán cho một người khách ở Hà Nội với giá 1,15 tỷ đồng.

CÁCH THỨC VẬN CHUYỂN TIỀN GIẢ

Mở rộng điều tra xác định, Huỳnh Thị Búp (tên gọi khác là Chanh The) có hai quốc tịch Việt Nam, Campuchia. Tại Campuchia, Búp quen biết nhiều đối tượng có nguồn tiền giả khác nhau, trong đó có tiền đô la Mỹ giả số lượng lớn.

Do thường xuyên đi lại giữa hai nước nên Búp đã giới thiệu với các đầu mối về việc có nguồn tiền giả cần tiêu thụ.

Khoảng tháng 11/2021, thông qua quan hệ xã hội, Búp quen biết với Đặng Thị Thúy Vân. Cả hai trao đổi, thỏa thuận về việc Búp bán cho Vân số tiền 440.000 đô la Mỹ giả với giá 240 triệu đồng.

Sau thỏa thuận trên, Búp mua đúng số lượng tiền giả trên của một người phụ nữ tên “Mông”, quốc tịch Campuchia ở chợ Ô Sây, TP Prom Pênh, Campchia với giá 4 triệu đồng/1 lốc đô la Mỹ giả (1 lốc gồm 100 tờ, giá 220 triệu đồng) sau đó bán cho Vân với giá 4,5 triệu đồng – 5 triệu đồng/1 lốc.

Ngày 12/6/2022, Búp nhận tiền giả, đóng vào thùng catton và thuê xe ôm chở thùng tiền qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Búp đi bộ vào Đồn công an cửa khẩu Mộc Bài để nhập cảnh vào Việt Nam và nhận lại thùng catton có đựng 440.000 đô la Mỹ giả. Sau đó, Búp tiếp tục thuê xe về khu vực huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để bán cho Vân.

Cáo buộc thể hiện, Búp bán cho Vân với giá 240 triệu đồng, hưởng lợi 20 triệu đồng.

MUA BÁN NGOẠI TỆ DO “HÁM LỢI”

Vân giao cho Đạt kiểm tra về độ thật của số đô la Mỹ, tiền Turkmenistan, tiền đô la Singapore giả. Vân cũng trao đổi với các đầu mối là Tiến và Hùng tìm khách tiêu thụ tiền ngoại tệ giả để hưởng chênh lệch.

Nhóm này thỏa thuận bán cho khách với giá 50% theo giá trị thật của tờ tiền 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) nhưng nhóm của Vân thỏa thuận bán với giá 1,15 triệu đồng. Trong đó, Vân chỉ thu 40%, còn lại 10% thì Tiến và Hùng được hưởng lợi.

Sau đó, Tiến đặt cọc 70 triệu đồng, nhận 131.400 đô la Mỹ giả từ Vân. Còn Hùng được Vân giao 500 đô la Mỹ giả và 180.000 đô la Singapore giả để cất giữ và giới thiệu cho khách.

Đến ngày 24/6/2022, khi Tiến mang tiền giả đến quán café Gemini thì bị phát hiện, bắt giữ. Về phía Hùng, bị cáo chưa tìm được khách mua, cũng không trả lại cho Vân mà cất giữ trong người.

Quá trình điều tra, Vân khai nhận toàn bộ hành vi, thừa nhận “vì hám lợi nên thực hiện”. Vân cũng khai nhận, đối với số tiền đô la Singapore loại mệnh giá 10.000 SGD là do người nước ngoài tên “Louis” (không rõ nhân thân) đưa cho Vân và Vân đưa cho Hùng cất giữ. Khi đưa, Vân cũng nói rõ tiền này không lưu hành được. Vân còn nhận tiền Turmenistan loại mệnh giá 100 TMT từ người đàn ông tên Vũ (không rõ thông tin).

Trong vụ án này, Quân và Quãng được xác định lưu giữ 5 thếp đô la Mỹ giả từ Búp để tìm cách tiêu thụ.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ của Quân tờ tiền 1 triệu đô la Mỹ giả. Quân khai nhận chỉ giữ tờ tiền trên để làm kỷ niêm, không có mục đích gì khác.

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ không phát hành tờ tiền mệnh giá trên nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự Quân về tờ tiền này.

Trong vụ án này, Vân được hưởng lợi 70 triệu đồng, đến nay đã khắc phục xong.

Tại cơ quan điều tra, Tiến thừa nhận biết là tiền đô la Mỹ giả nhưng vì khó khăn kinh tế, công ty của Tiến bị phá sản nên Tiến mua tiền giả để hưởng tiền chênh lệnh.

Còn Đạt khai nhận quen biết Vân từ năm 2020. Do kinh doanh thua lỗ, không có việc làm nên Đạt làm tài xế cho Vân với mức lương 7 triệu đồng/tháng và thường xuyên ăn ở tại nhà Vân.

Quá trình mua bán ngoại tệ, Vân chụp ảnh các loại tiền giả hoặc đưa trực tiếp tiền giả cho Đạt, yêu cầu Đạt lên mạng tìm kiếm, nghiên cứu đặc điểm nhận biết tiền thật, kiểm tra, đối chiếu với tiền giả để nói lại cho Vân. Do nhận thức việc mình làm là vi phạm pháp luật nên Đạt nhiều lần khuyên Vân không tiền tiêu tiền ngoại tệ giả. Đạt bị Vân mắng nên không dám can thiệp cũng không báo cho cơ quan chức năng biết.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Vân, công an phát hiện Đạt đang ở nhà Vân cùng 2.800 tờ tiền đô la Mỹ và 45.000 tờ tiền Turkmenistan.

Sau 1 ngày xét xử, tòa án đã xử phạt Búp 18 năm tù; Vân 17 năm tù. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 8 -14 năm tù.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-tru-van-chuyen-luu-hanh-hang-tram-nghin-usd-gia.htm