Tăng 'sức nóng' cho sản phẩm du lịch cuối năm

Dù đã qua mùa cao điểm, người dân không còn đổ xô đi tìm địa điểm du lịch, nhưng nhiều địa phương trên cả nước vẫn chủ động hút khách dịp thấp điểm bằng việc tổ chức các sự kiện lớn, các tour văn hóa, lịch sử…

Tìm kiếm sự “mới mẻ" cho sản phẩm du lịch

Như thường lệ, những tháng cuối năm sẽ là mùa thấp điểm đối với khách nội địa. Đây là khoảng thời gian các địa phương, doanh nghiệp du lịch nâng cấp cơ sở vật chất, khảo sát điểm đến, xây dựng sản phẩm mới, đặc biệt là phục vụ cao điểm du lịch dịp xuân hè sắp tới. Tuy nhiên, năm nay, một số địa phương đã chọn cách tổ chức sự kiện lễ hội du lịch giữa mùa thấp điểm.

Một góc tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học". (Ảnh: Hồng Hạnh)

Đầu tiên có thể kể đến tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học" đã được vận hành thử nghiệm vào tối ngày 22/10 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Việc tổ chức tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm phát huy giá trị đặc trưng về đạo học của Khu Di tích, đồng thời thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm di tích về đêm và làm phong phú sản phẩm du lịch Hà Nội. Đây là tour đêm thứ 4 của Hà Nội được tổ chức, sau tour đêm của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội cũng chuẩn bị ra mắt tour đêm tại phố cổ với không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, ngày 28 - 29/10. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật biểu diễn âm nhạc truyền thống, tham quan không gian nghệ thuật tiệc trà, trải nghiệm chương trình chiếu sáng kết hợp với âm nhạc…

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, việc ra mắt không gian trải nghiệm góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm tour đêm, tạo điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách khi lưu trú tại Hà Nội, góp phần nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.

Cũng kỳ vọng mang đến du khách sản phẩm mới độc đáo, dịp này TP.HCM giới thiệu tới du khách tour đêm “Trăng chiến khu”, tái hiện vùng giải phóng với những hoạt động của người dân như đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc, xay lúa, giã gạo…

Không chịu kém cạnh Hà Nội hay TP.HCM, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề “Arabica, cà phê Sơn La - hương vị núi rừng Tây Bắc”, bao gồm chuỗi hoạt động: Gala cà phê, hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển”; trưng bày ảnh đẹp về cà phê; hội chợ sách “Sơn La bừng sáng tương lai”; trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê… nhằm góp phần xây dựng thương hiệu cà phê gắn với thế mạnh địa phương, đặc biệt là du lịch.

Tại Lào Cai, để không bỏ lỡ thời điểm mùa lúa chín đẹp nhất trong năm, tỉnh đã xây dựng tour ngắm săn mây, trải nghiệm đời sống bà con dân tộc, khám phá ruộng bậc thang, thung lũng Mường Hoa (Sapa) nhằm kích cầu quảng bá sản phẩm du lịch tại địa phương. Trong khi đó, du lịch Nghệ An, Tuyên Quang lại chú trọng điểm đến văn hóa - tâm linh, di tích cách mạng…

Cùng thời điểm này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã tổ chức Lễ hội Diều năm 2023, quy tụ hơn 10 câu lạc bộ diều trên cả nước. Theo ông Huỳnh Ngọc Tâm, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, chuỗi sự kiện nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” nhằm tạo ra sản phẩm văn hóa - du lịch mới.

Đồng thời, mở ra một sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích bộ môn diều trên cả nước, từ đó thu hút thêm sự chú ý của người dân và doanh nghiệp đến du lịch Bình Thuận…

Áp dụng nhiều chính sách ưu đãi

Việc ra mắt sản phẩm du lịch mới cho từng địa phương là rất cần thiết. Tuy nhiên, để các sản phẩm thực sự “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” vẫn còn thách thức.

Bởi, đằng sau sự nỗ lực từ các địa phương vẫn rất cần đến sự liên kết giữa các Sở, ban, ngành để nâng cao hiệu quả mục tiêu của các sự kiện. Đơn cử, việc Bình Thuận tổ chức sự kiện lớn vào cuối tháng 10 thu hút lượng lớn người tham dự. Nắm bắt thời cơ này, các địa phương lân cận như Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phối hợp để tận dụng khai thác nguồn khách đến tham dự.

Một yếu tố nữa là tính hợp tác, liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng, nhằm đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương thông qua việc hỗ trợ và bổ sung sản phẩm du lịch, tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh góp phần tạo sự cạnh tranh với các vùng khác. Đồng thời, thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần, như Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Tây Bắc.

Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” tạo thêm nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch mới.

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, mới đây ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội cùng các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận.

Hay như vùng Đông Nam bộ và các vùng Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ cũng mở rộng liên kết nhằm khai thác hiệu quả hơn các sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng các loại hình du lịch, tăng tính cạnh tranh của vùng…, từ đó giúp doanh nghiệp du lịch có điều kiện mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, Sơn La cũng đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết ngành để phát triển sản phẩm cà phê Sơn La trong phát triển du lịch. Tỉnh đã ký kết hợp tác với các địa phương trồng trà, cà phê vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, khu vực Tây Nguyên nhằm giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương.

Có thể thấy, việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách, phát huy các giá trị tài nguyên địa phương là giải pháp tốt nhất để khắc phục tính thời vụ của du lịch thời điểm này.

Cùng với đó, để tăng “sức nóng” du lịch mùa thấp điểm, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-suc-nong-cho-san-pham-du-lich-cuoi-nam-d201466.html