Tăng cường tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn vật nuôi

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể gây ra cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5262 về việc tăng cường chỉ đạo tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc gia cầm (GSGC) và vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, góp phần tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường.

100% các địa phương trong tỉnh đang chủ động rà soát, lập danh sách tiêm bổ sung vắc xin cho đàn GSGC, vắc xin Dại cho chó, mèo đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đợt 1/2023, chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin của các huyện, thành phố trong tỉnh đạt tỷ lệ 92% kế hoạch trở lên, từ đó tạo miễn dịch quần thể, giúp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn thấp, một số chỉ tiêu chưa đạt 80% so với kế hoạch được giao.

Đặc biệt, kết quả tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo qua 2 đợt đạt 54.045/191.000 con (đạt tỷ lệ 28,2%), không đạt mục tiêu trên 70% tổng đàn.

Trong đó, đối với bệnh Dại chó, mèo từ cuối tháng 5/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp người tử vong tại xã Nhân Đạo (Sông Lô), 2 trường hợp chó chạy rông cắn người tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) và xã Thiện Kế (Bình Xuyên).

Theo thông báo của trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 881 lượt người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại. Điều này ảnh hướng rất lớn đến quá trình phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh trong thời gian tới.

Trên địa bàn huyện Sông Lô, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin tính đến ngày 7/7/2023 cho đàn GSGC đạt hơn 90% nhưng tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo chỉ đạt 33%.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn đạt thấp, theo đồng chí Vũ Văn Học, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Lô cho biết: Do địa bàn rộng, chó, mèo chủ yếu nuôi thả rông, khó bắt giữ, trong khi nhiều người dân trên địa bàn vẫn chủ quan với dịch bệnh Dại, không chấp hành việc tiêm phòng theo quy định.

Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi GSGC còn nhỏ lẻ, trâu, bò chủ yếu nuôi nhốt tại chuồng nên công tác tiêm phòng tập trung gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương như Đôn Nhân, Hải Lựu, Bạch Lưu, Quang Yên…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện Sông Lô tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền đến các cơ sở, hộ chăn nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc; viêm da nổi cục trâu, bò; dại động vật...

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc xin đầy đủ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đối với xã Nhân Đạo, nơi từng ghi nhận trường hợp người tử vong do bệnh Dại gây ra và các xã lân cận như Hải Lựu, Đôn Nhân… tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin cho 100% đàn chó, mèo khỏe mạnh chưa được tiêm phòng hiện có trên địa bàn; còn lại các địa phương khác, tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo nuôi đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn hiện có.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho GSGC tại các xã, phường, thị trấn có kết quả tiêm phòng đợt 1/2023 chưa đạt 80% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn vật nuôi mới nuôi, mới lớn, đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dưới 80% đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tổ chức rà soát, thống kê, lập sổ theo dõi số hộ nuôi và số chó, mèo trên địa bàn quản lý.

Đối với các địa phương có người chết vì bệnh dại, phát hiện chó chạy rông cắn người, vật nuôi khác có xét nghiệm dương tính với bệnh Dại và các xã, phường, thị trấn tiếp giáp với các xã, phường, thị trấn trên tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho 100% đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hiện có trên địa bàn.

Đối với các xã, phường, thị trấn khác, tổ chức tiêm phòng vắc xin đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn chó, mèo hiện có. Thời gian thực hiện tiêm phòng bổ sung từ ngày 1/7 - 31/7/2023.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăm sóc khoa học, hợp lý và tiêm phòng vắc xin đầy đủ nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi để phòng, chống lại các loại dịch bệnh.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96367//tang-cuong-tiem-phong-bo-sung-vac-xin-cho-dan-vat-nuoi