Tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy từ việc thả rông chó

Mặc dù đã có quy định pháp luật xử phạt nhưng nhiều người nuôi chó trên địa bàn tỉnh vẫn bất chấp, thả rông chó ra đường, nơi công cộng không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt gây bất an cho người dân. Thực trạng thả rông chó ra đường, nơi công cộng diễn ra khá nhiều từ thành thị đến nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ phát tán bệnh dại, tử vong do bị chó cắn và gây tai nạn giao thông (TNGT), ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...

Nhiều chó thả rông không đảm bảo quy định xuất hiện trên một đoạn đường dân sinh thuộc xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong gây bất an cho người đi đường (Ảnh chụp ngày 25/3/2024) - Ảnh:N.B

Nhiều chó thả rông không đảm bảo quy định xuất hiện trên một đoạn đường dân sinh thuộc xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong gây bất an cho người đi đường (Ảnh chụp ngày 25/3/2024) - Ảnh:N.B

Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (có hiệu lực ngày 15/7/2016) quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, trong đó, có quy định đối với chủ vật nuôi chó, mèo như sau: Phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt...

Mặc dù quy định pháp luật có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng thả rông chó ra đường, nơi công cộng không đảm an toàn cho người xung quanh vẫn diễn ra rất phổ biến từ thành thị đến nông thôn.

Rất dễ dàng bắt gặp chó chạy rông trên đường, nơi công cộng nhưng không đeo rọ mõm, không có xích giữ chó và chẳng có người dắt. Thậm chí ở hai công viên lớn trên địa bàn TP. Đông Hà đều xuất hiện tình trạng thả rông chó, không có biện pháp bảo vệ an toàn cho người xung quanh, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.

Hiện nay, đang là mùa nắng nóng nên bệnh dại trên chó, mèo rất dễ phát sinh, lây lan. Thêm vào đó, việc thả rông chó ra nơi công cộng không đeo rọ mõn, không xích giữ chó và không có người dắt nên nguy cơ chó tấn công người, gây TNGT thông là rất cao.

Theo thông báo của Cục Thú y, tính đến ngày 8/4/2024, cả nước phát hiện 106 ca bệnh dại trên động vật tại 27 tỉnh. Tại Quảng Trị, những năm qua ghi nhận khá nhiều ca bệnh dại do chó cắn dẫn đến tử vong. Ngày 16/5/2024, tại Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà đã xảy ra một vụ chó cắn người và hiện cơ quan chức năng đang gửi mẫu xét nghiệm bệnh dại lấy từ con chó tấn công người.

Trên địa bàn tỉnh, việc chó thả rông gây TNGT xảy ra rất nhiều, thậm chí đã dẫn đến tử vong. Không ít lần phóng viên chứng kiến, ghi nhận được việc chó thả rông, không đeo rọ mõm rượt đuổi, tấn công người đi đường. “Trong một lần đón con đi học về bằng xe máy, tôi bất ngờ bị một con chó thả rông rượt đuổi, tấn công nên hai mẹ con ngã xuống đường. Rất may là lúc đó có nhiều người trong xóm chạy đến xua đuổi chó đi nơi khác. Tuy hai mẹ con tôi chỉ xây xước nhẹ nhưng lại rất sợ hãi. Tôi mong muốn các cấp, lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chủ nuôi chó, mèo và tăng cường xử lý để người nuôi chó, mèo không thả vật nuôi ra đường, nơi công cộng gây bất an cho người dân”, chị Nguyễn Thị Thúy Vân, ở Phường 1, TP. Đông Hà bộc bạch.

Hiện nay, thực trạng thả rông chó xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh và đã có các quy định pháp luật, chế tài xử lý, thế nhưng việc xử lý vi phạm vẫn chưa quyết liệt. Việc thành lập các đội chuyên trách bắt chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý vẫn chưa được các địa phương thực hiện nghiêm. Người nuôi chó chủ quan, xem nhẹ quy định pháp luật.

Trong khi đó, nếu để xảy ra trường hợp chó dữ tấn công người khác gây tổn hại sức khỏe, tài sản thì tùy theo mức độ tổn hại mà chủ nuôi chó phải bồi thường cho người bị hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Thậm chí, chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sơ suất trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người “Tội vô ý làm chết người” theo Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, mức án đối diện có thể lên đến 10 năm tù giam.

Vừa qua, để tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, ngày 14/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg. Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi chó vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo, góp phần giảm nguy cơ tử vong do bệnh dại.

Phú Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tiem-an-nhieu-nguy-co-va-he-luy-tu-viec-tha-rong-cho-185675.htm