Tăng cường giáo dục hướng nghiệp, duy trì mục tiêu phân luồng học sinh

Trên cơ sở thay đổi nhanh của GD&ĐT, đồng thời nếu nhìn vào những con số của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cho cái nhìn khác hơn về sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với công tác phân luồng giáo dục hiện nay. Theo đó, trong một số kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, tỉ lệ học sinh đăng ký thi chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp đã tăng đáng kể; thậm chí, trong số các thí sinh lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học cũng có một tỉ lệ không sử dụng kết quả đúng như đăng ký. Sau khi có kết quả, do không đủ điểm để xét đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, nhiều học sinh đã lựa chọn học nghề.

Trên cơ sở thay đổi nhanh của GD&ĐT, đồng thời nếu nhìn vào những con số của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cho cái nhìn khác hơn về sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với công tác phân luồng giáo dục hiện nay. Theo đó, trong một số kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, tỉ lệ học sinh đăng ký thi chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp đã tăng đáng kể; thậm chí, trong số các thí sinh lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học cũng có một tỉ lệ không sử dụng kết quả đúng như đăng ký. Sau khi có kết quả, do không đủ điểm để xét đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, nhiều học sinh đã lựa chọn học nghề.

Như vậy, nếu căn cứ vào mục tiêu phấn đấu trong công tác phân luồng giáo dục cấp THPT hằng năm đạt từ 30% học sinh sau khi tốt nghiệp lựa chọn học nghề hoặc làm các công việc khác, thì những con số này cho thấy công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN) đã và đang được thực hiện có chất lượng. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Bình Lục cho rằng, việc tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT trong một vài năm gần đây thể hiện một thực tế là nhận thức về việc học nghề, tâm lý chạy theo bằng cấp của một bộ phận học sinh và cha mẹ học sinh đã thay đổi. Nhiều học sinh ngay trong thời gian còn học trong trường THPT đã sớm nhận biết được khả năng học tập, tự định hướng con đường đi học nghề cho mình.

Thực hiện GDHN, các mục tiêu phân luồng giáo dục đã đạt hiệu quả tích cực. Trong ảnh, tiết học nghề của học viên Trung tâm GDNN- GDTX Lý Nhân.

Được biết, ở cấp THPT, theo chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh đã trở thành một hoạt động giáo dục bắt buộc, có thời lượng lên tới 105 tiết/lớp/năm, tương đương với một môn học. Các nhà trường căn cứ vào đó để tự xây dựng kế hoạch, sắp xếp và bố trí thời gian biểu dạy, học hợp lý. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ số tiết lên lớp theo quy định, các cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ hướng nghiệp đã bám sát hệ thống tài liệu hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT và có sự tìm tòi, tìm hiểu về vị trí xã hội, yêu cầu cũng như định hướng phát triển và nhu cầu sử dụng lao động của các ngành nghề để cung cấp cho học sinh những thông tin và sự định hướng cần thiết, giúp các em có thêm sự lựa chọn hữu ích sau khi tốt nghiệp THPT. Việc chọn trường, chọn ngành và học tiếp lên cao theo phong trào, theo số đông của học sinh THPT những năm trước giờ đã giảm rất nhiều. Hệ quả “thừa thầy, thiếu thợ”, sự lãng phí lớn về thời gian, tiền của, công sức cho chính các em học sinh, gia đình và xã hội vì thế cũng đang được khắc phục đáng kể.

Trong nhà trường phổ thông, hướng nghiệp được coi là một bộ phận quan trọng của giáo dục phổ thông. Kết quả cuối cùng của hoạt động GDHN trong nhà trường giúp cho học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai trên cơ sở biết tự đánh giá năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu lao động của xã hội. Vì vậy, hoạt động GDHN hiện nay đã từng bước có sự thay đổi tích cực về tư duy hướng nghiệp, đẩy mạnh hướng nghiệp từ thực tế, thực hiện hướng nghiệp trong trường phổ thông với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề. Tăng cường nâng cao nhận thức hoạt động GDHN, làm cho hoạt động này ngày càng trở nên phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và thể hiện được sự chuyên nghiệp… để có thể phát huy một cách tốt nhất nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo hiệu ứng tích cực cho công tác phân luồng học sinh.

Các cơ sở giáo dục thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ học sinh trong việc tìm hiểu, lựa chọn nghề sau khi tốt nghiệp trung học.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Những năm qua, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 1946/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025, Sở GD&ĐT đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông theo từng năm học. Hằng năm, nội dung thực hiện về công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông được đưa vào nội dung hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với các cấp học, trong đó chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh, đặc biệt học sinh cuối cấp để phân luồng học sinh; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác GDHN; tăng cường rà soát triển khai việc thực hiện nhiệm vụ GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trong chủ trương, kế hoạch phát triển KT-XH từ tỉnh đến huyện, xã; đặc biệt quan tâm định hướng nghề nghiệp theo chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục của tỉnh đã thường xuyên đổi mới nội dung GDHN thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Theo đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục 2006 theo hướng tinh giản, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung GDHN trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn, tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong các nhà trường. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường thực hiện nội dung GDHN tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp STEM phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, chủ động về phương pháp, hình thức GDHN và định hướng phân luồng bảo đảm đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Giáo dục hướng nghiệp được Trường THCS Liêm Chung (TP Phủ Lý) quan tâm gắn với thực hành và tìm hiểu nghề truyền thống của địa phương. Ảnh: Hà Trần

Tại các trường THCS, THPT đã thành lập được ban hướng nghiệp, tổ tư vấn hướng nghiệp làm tốt hoạt động tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ học sinh. Đến nay, 100% các nhà trường xây dựng được nội dung GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, thường xuyên tổ chức cho học sinh đi học tập, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; phối hợp tổ chức tốt các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: ngày hội thanh niên với nghề nghiệp; hội thảo khoa học; tuyên truyền, cung cấp thông tin về chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh; hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”… thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Qua các hoạt động này, học sinh có cơ hội tìm hiểu các ngành nghề đào tạo, được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia giáo dục, về cơ hội học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp và định hướng tương lai… giúp các em có kiến thức bổ ích về hướng nghiệp, khởi nghiệp, đặc biệt những kiến thức về các ngành nghề để có sự lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường lao động.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tang-cuong-giao-duc-huong-nghiep-duy-tri-muc-tieu-phan-luong-hoc-sinh-106746.html